Vạn sự khởi đầu nan là điều mà ông bà ta thường dặn dò. Mỗi lần bắt đầu một công việc gì mới tôi cũng thường tâm niệm như vậy. Nhưng lần này không phải là một công việc mới, mà là một giai đoạn mới trong cuộc đời của tôi. Bắt đầu từ ngày 03.04.2010.

Mặc dầu nói như thế, nhưng tất cả mọi việc đều bắt đầu từ nhiều tháng trước đó rồi. Đó chỉ là ngày mà chúng tôi chính thức vào nhận cơ sở tu viện Vô Lượng Thọ tại Schoenfeld mà thôi. Khi mà giấy phép ở dài hạn tại Lào không thực hiện được tôi bắt buộc phải tìm một nơi thích hợp để nhập thất cũng như một chỗ tu tập cho những vị đệ tử có nhân duyên với mình trong hiện tại và tương lai. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là những hòn đảo, sau đó lại tìm những nông trại và cuối cùng là những cơ sở nhà trọ đã không còn hoạt động nữa. Trong lúc đang tìm như vậy thì cũng có những tác động bên ngoài làm tăng thêm sự kích thích.

Nhân đây tôi cũng muốn nói lời cảm tạ đến chị Diệu Nhơn và chị Huệ Bảo đã gọi điện đến tận Lào để góp ý khuyên tôi về lại Đức cũng như tỏ sự sốt sắng để vận động tìm cho tôi một cơ sở ở vùng Tây Đức, cũng có thể là ở vùng Norddeich. Cũng nhờ hai chị đã thông báo mà nhiều vị biết về việc tôi về lại Đức và mua cơ sở ở vùng Schmiedeberg này. Tôi cũng cảm ơn anh Đồng Bi đã sốt sắng liên lạc, động viên và vận động để quyên góp cho việc mua cơ sở để làm tu viện. Trong những vị đã bỏ ra nhiều năng lực, thời giờ và tâm tư phải kể đến chị Diệu Hoa, chị Thiện Liên, chị Tâm Hương, chị Mai, Thiện Sơn, Thiện Bảo, Thiện Bảo và Thiện Tiến v.v. và v.v. dĩ nhiên là những vị cư sĩ phật tử cũng như là chư tôn đức xuất gia đã phát tâm cúng dường đã tạo điều kiện cho sự thành tựu của tu viện ngày hôm nay.

Ngày 02.12.2009 tôi đọc trên Internet thông tin về cơ sở hiện tại, ngày 05.12.2009 em tôi qua sự nhờ của tôi đã liên lạc cho biết là cơ sở thuận lợi và thích hợp để làm tu viện, thế là tôi đổi chương trình, thay vì đi sang Đài Loan để nhờ liên lạc làm giấy tờ xin Visa dài hạn nhập thất ở đó, tôi đã mua vé máy bay trở về lại Đức vào ngày 08.12.2009, sau đó ngày 12.12.2009 đã cùng với sáu vị nữa đi xem cơ sở một lần để được nhìn tận mắt, xem cơ sở thật sự có thích hợp không. Cuối cùng đã đi đến việc ký giấy mua cơ sở tại Notar vào ngày 16.12.2009 cũng như tiến hành vấn đề hợp thức hành chánh cơ cấu sinh hoạt của tu viện v.v. Ngày 31.12.2009 tôi lại trở về Thái Lan để tham dự một khóa thiền thất 40 ngày đã ghi danh trước đó, trong sự tin tưởng là những vị đã phát tâm kêu gọi cho tu viện sẽ hoàn tất công việc của mình một cách mỹ mãn; Đến ngày 23.03.2010 thì về lại Đức và nhân ngày vía của đức Quán Thế Âm chúng tôi đã điều đình với ông chủ cũ để nhận cơ sở vào ngày này. Biết rằng phước báu mình kém nên phải nhờ vào lực của Bồ Tát là vậy.

Dọc đường từ Berlin về tu viện tôi cứ nghĩ đến các pháp duyên sanh mà phải tự mỉm cười. Sau khi ký giấy để mua cơ sở Thiện Bảo đã hỏi tôi là sang năm (tức là 2010) thầy về lại rồi ở một mình ở tu viện hay sao? Tôi lúc ấy cũng nghĩ là mình sẽ một mình ở đấy tu tập nên đã trả lời là “đúng vậy, một cái nệm cách nhiệt, một túi ngủ và một bàn thờ nhỏ để tu tập là đủ rồi. Ngoài giờ tu tập cứ mỗi ngày dọn một ít, khi nào những vị đệ tử đi học xong trở về tu thì có chỗ” (Mà thầy tôi Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác cũng đã góp ý như thế, khi tôi về đảnh lễ Ngài vào cuối tháng 03.2010 trước khi lên đường về tu viện), trong thời gian ở tại Đài Loan (sau khi xong khóa thiền ở Thái Lan) tôi nhận biết là có một số vị sẽ phát tâm về tu viện ở cùng ngay từ thời điểm đầu tiên; cuối cùng thì có đến bốn chiếc xe khởi hành đi ngày này, dĩ nhiên là cũng có những vị cùng đi để biết địa điểm và tiễn đưa chúng tôi vào nơi “an dưỡng địa” này.

Đến nơi nhiều vị rất hoan nghênh cảnh đẹp của vùng núi Erzgebirg này cũng như khen là những căn nhà lớn, nhưng khi nhìn thấy sự bề bộn và không khí lạnh buốt của nơi này cũng không ít vị cảm thấy “ớn”. Tuy vậy, trong vòng một giờ mà quý vị cũng đã dọn dẹp được một nơi làm phòng tụng niệm kỷ niệm ngày vía của Đức Quán Thế Âm cũng như cầu nguyện hồi hướng sự gia bị của ngài để nơi này trở thành một tu viện với sự tu tập nghiêm túc. Trong buổi lễ này còn có sự hiện diện của Ni Sư Diệu Phước, Sư Cô Diệu Bạch và trên ba mươi vị cư sĩ làm cho không khí đang giá rét của căn phòng trở nên ấm cúng và đầy đạo vị. Hai vợ chồng của phật tử Tô Thủy ở Tiệp cũng đã tiếp tế cho tu viện suốt một ngày hôm ấy, đúng là nhờ vào oai lực của Bồ Tát Quán Thế Âm mà mọi người được no đủ. Sau giờ trưa thì Ni Sư, Sư Cô cùng một số vị đã rời tu viện để về lại Berlin vì đường trở về cũng dài. Các anh chị em còn lại đã tận lực vận sức Quán Âm, Diệu Âm, Hải Triều Âm mà góp ý, động viên để tẩy rửa một số phòng để tối đó có thể ngủ cũng như nhà bếp, phòng ăn và nhà vệ sinh đã được dọn dẹp trong vòng vài giờ đã trở nên gọn đẹp và khang trang hẳn đây là công lao của quý vị nữ cư sĩ ở vùng Dresden và Berlin, như là chị An Thiện, chị Diệu Âm, chị Đồng Lễ, Chúc Hằng v.v. còn các anh thanh niên như Thiện Sơn, Thiện Bảo, Truyền, anh Ninh v.v. thì đã đi kiểm tra lại hệ thống dẫn nóng, điện của tu viện để làm ấm lại những căn phòng đã giá băng từ hơn ba năm qua. Tóm lại, ngay buổi chiều hôm đó khi mọi người quây quần nhau với nhau ở phòng ăn ai cũng cảm thấy hài lòng với sự chuyển biến như là có một phép mầu với những căn phòng ở tu viện vậy. Sau một tháng thì các bức tường đã tỏa ra hơi ấm. Dầu vậy hiện tại còn rất nhiều việc phải được hoàn tất trong những năm tháng sắp tới đây. Như là phải gắn một hệ thống lò sưởi mới cho tu viện, vì lò sưởi hiện tại quá nhỏ do vì ông chủ cũ chỉ có ba người nên đã bán lò sưởi trước đây của khách sạn và mua một lò sưởi nhỏ hơn chỉ sưởi đủ mấy căn phòng mà gia đình ông ở. Nếu không làm việc này thì mùa đông tới chắc là mọi người phải tu pháp lửa tam muội như các nhà sư Tây Tạng mới qua được những ngày giá rét. Lại còn phải làm kín các cửa và cửa sổ để khỏi bị thất thoát sức nóng. Phải làm thêm mái che cho một số nơi để tránh nước mưa và tuyết thấm vào tường làm ẩm nhà. Phải sơn lại tường và gỗ bên ngoài. Phải kiểm tra đường dây điện. Phải lót nền một số nơi. Phải mua thêm giường, nệm, ra, gối, mền v.v. và v.v. Lại còn những công việc dọn dẹp ngoài vườn. Tất cả mọi việc đều phải cần sự đóng góp của hàng cư sĩ tại gia từ tài chánh cho đến nhân lực, bởi vì những vị tu sĩ ở tu viện này thật là vô tích sự với đời, chỉ biết có tu tập mà thôi! Có thể nói tu viện này là nơi dành cho những người làm biếng chỉ thích mỗi ngày tám tiếng tụng niệm, lễ bái, ngồi thiền. Cho nên những việc khác phải nhờ vào hàng cư sĩ tại gia.

Trong tháng vừa qua những vị cư sĩ ở Dresden và Berlin cũng thường xuyên cúng dường rau cải, trái cây, bánh mì v.v. để tu viện dùng. Điều này làm tôi chạnh nhớ đến thời gian ở Lào, khi ở giữa cánh đồng hoang vắng không điện, không nước không láng giềng, thì những vị cư sĩ ở đó đã hằng ngày gửi theo xe rau cải, trái cây, nước uống, nước sử dụng v.v. ra cho chư tăng sử dụng. Có thể nói đó là một trong những thời gian an lạc và đầy ân tình nhất trong cuộc đời của tôi vậy. Trong tu viện cũng có một vài vị lo ngại là nếu quý vị cư sĩ không mang rau quả vào cúng hay mang ít thì sao? Tôi có thưa là nếu không có gì khác thì gạo và tương chúng ta có đủ mà. Cứ việc để tâm vào tu tập, còn những vấn đề khác đâu có gì quan trọng.

Đại khái, sau một tháng các sinh hoạt của tu viện cũng dần đi vào nề nếp, mỗi ngày tu tập gần tám tiếng, thêm một tiếng rưỡi học phật pháp. Trước ngày vía mỗi vị Phật, Bồ Tát thì tu viện trì tụng kinh văn liên quan đến vị đó và đúng ngày vía thì từ sáng 4 giờ đến tối 9 giờ 30 liên tục trì tụng danh hiệu hay thần chú của vị đó. Như vừa qua tu viện đã thực hiện pháp tu trì nhân ngày vía đức Chủn Đề một tuần. Sắp tới sẽ có ngày vía của đức Văn Thù, tu viện sẽ tu tập một tuần từ 11.05-17.05 bằng cách trì tụng phẩm pháp hội Văn Thù Thọ Ký cũng như thần chú của ngài. Sau đó từ 22.05-28.05 sẽ trì tụng kinh Đại Sư Tử Hống để kỷ niệm ngày đản sanh của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cũng như trì tụng thần chú của ngài. Cứ như thế sẽ lần lượt mỗi tháng đi qua.

Nguyện công đức tu tập của tất cả mọi người trong tu viện cũng như mọi nơi trên thế giới sẽ góp phần vào năng lực mang lại hòa bình và an lành cho nhân loại và thế giới.

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.