thong_truTrong tuần vừa qua từ mùng 5/12 cho đến 11/12 Tu Viện Vô Lượng Thọ đây, có khóa tu Niệm Phật A Di Đà, cho các vị cư sỹ tại gia có thể ghi danh tham dự, cũng như chư tăng ở trong Tu Viện đều tu tập. Lần này cũng là lần đầu tiên mà tôi tham gia niệm Phật tại Tu Viện đây và cũng thừa cơ hội này mà tôi có thể thực hành trong 3 ngày cuối pháp Ban Chu Tam Muội.

Pháp môn này vào thời của Tổ Huệ Viễn đã được thực hành một cách mạnh mẽ, mỗi kỳ tu thông thường là 90 ngày (3 tháng), pháp hành trì này chủ yếu là cố gắng hoàn toàn không ngủ, chỉ đi và đứng, trong khi đi đứng thì quán tưởng đến hảo tướng, công hạnh, hạnh nguyện của Phật v v… nhưng tôi thì không có quán tưởng như trên mà chỉ trì danh hiệu của Phật A Di Đà. Tôi chỉ phát nguyện hành trì pháp tu này 3 ngày, tuy là ít nhưng cũng xin được chia xẻ những kinh nghiệm cũng như là cảm nhận của tôi về pháp này với các vị đồng tu.

Ngày đầu tiên khởi sự thực hành từ 4 giờ sáng, tụng kinh A Di Đà tiểu bổn xong thì tôi bắt đầu niệm Phật cho đến khi ăn sáng, ăn sáng xong lại lên niệm tiếp. Mục đích là luôn giữ cho chữ A Di Đà Phật không bị dứt đoạn, thông thường nếu tôi niệm ra tiếng thì cố gắng tập trung vào cái nghe và đồng thời cố gắng tụng cho rõ ràng từng chữ một, khi không còn nghe rõ được tiếng niệm của mình chứng tỏ là sắp sửa bị hôm trầm, hoặc nếu đứt đoạn chứng tỏ là bị vọng tưởng, tạp niệm xen kẻ vào trong đó. Còn nếu không niệm ra tiếng thì tôi thường dùng ý để niệm, cố gắng canh chừng vào theo dõi không để cho những niệm bị gián đoạn, điểm quan trọng là làm sao cho những niệm càng rõ càng tốt, nếu được như vậy thì hôm trầm và tạp niệm không có cơ hội tham gia vào trong đó. Thật sự thì không có đơn giản một tí nào, ai thực tâm hành qua cũng sẽ biết nếu không bị những vọng tưởng, tạp niệm lôi kéo thì cũng bị hôm trầm đè xuống, mỗi khi một trong hai chướng ngại này xảy ra thì đều phải kéo mình trở lại với câu niệm Phật, cứ như thế mà làm cho đến khi hôm trầm và tạp niệm giảm dần và biến mất.

Tôi niệm và đi kinh hành cho đến chiều tối thì lại có những chướng ngại khác xảy ra đó là đau chân và đau sống lưng, gót chân trái của tôi trước đây mấy tháng đã đau vì vậy trong khi đi thì thường dùng lực nhiều lên trên chân phải, vì lý do đó mà sống lưng tôi bị đau và mỏi hơn là bình thường. Đến tối là tôi từ từ không niệm ra tiếng nữa, chỉ đôi lúc thấy có vẻ buồn ngủ thì tụng lớn tiếng lên để tỉnh mà thôi, còn phần nhiều thời gian là dùng ý để niệm, nói một cách khách là buộc cái ý của mình vào câu niệm phật. Niệm cho đến khuya thì sự tập trung đã giảm đi rất nhiều, hầu như sáu căn muốn đóng cửa nghỉ việc. Bên cạnh đó, tôi đã chuẩn bị một bình trà và cứ thế mà uống để cho tỉnh để tiếp tục niệm, nhưng cũng không được bao lâu mặt mày lại tối sầm xuống và tôi đã quyết định là dựa lên góc cửa để nghỉ, nói là nghỉ nhưng thực sự ra cũng chẳng có nghỉ được gì, vì lúc này 2 cái chân của tôi quá đau rồi, đứng bên này cũng đau đứng bên kia cũng đau, cuối cùng thì gần đó có một cái bàn cao tôi đã đến đó và tựa lên đồng thời gác một cái chân lên cái bục gỗ ở dưới để đỡ đau và cứ vậy hết chân phải gác đến chân trái để cho đỡ mỏi và đau. Chập chờn nửa tỉnh nửa mơ cho đến khoảng hai ba giờ khuya thì không nghỉ nữa, tuy đã tỉnh rồi nhưng vẫn còn choáng váng. Có lẽ là trong khi nghỉ ý thức vẫn tiếp tục niệm Phật, vì vậy khi tỉnh rồi tôi nhận thấy là câu niệm Phật ấn tượng rất là rõ và mạnh mẽ trong đầu. Tôi đi ra rửa mặt cho tỉnh và vô lại tiếp tục đi kinh hành và niệm Phật cho đến khuya của ngày thứ 2. 12 giờ đêm thì Thầy Thông Trạm bước vào và niệm Phật chung, thầy ấy ngồi tại chỗ của mình niệm, còn tôi thì đi xung quanh, đôi khi mệt quá tôi lại dựa lên cái bàn để nghỉ một tí rồi niệm lại, cứ như vậy cho đến sáng.

Sáng ngày thứ 3 thì tôi phát giác rằng 2 đôi chân và lưng không còn đau và mỏi như 2 hôm đầu nữa, đi đứng không còn cà nhắc nữa mà chỉ có vẻ như rất ư nặng nề, người thì hơi lảo đảo mất thăng bằng, có lẽ máu đã dồn nhiều xuống chân, nhưng trong khi đó câu niệm phật lại có vẻ rất xuông, vì là tôi thả lỏng tư tưởng ra không còn cố gắng tập trung để niệm Phật nữa mà câu niệm Phật vẫn tiếp tục hiện hữu, một trạng thái có thể nói là nhẹ nhàng và thoải mái, tuy là câu niệm Phật trôi chảy một cách liên tục nhưng tôi nhận thấy rằng cũng vẫn chưa có được rõ lắm, tôi tập trung tư tưởng và theo dõi trở lại thì câu niệm phật lại rõ ràng. Đương nhiên trạng thái bây giờ không giống như 2 ngày trước, cũng vẫn là sự chú tâm nhưng thoải mái và nhẹ nhàng hơn nhiều, đồng thời những tạp niệm cũng ít khởi hơn.

Trong 3 ngày liên tiếp ngoài việc đi và đứng, tôi cũng lạy Phật thêm để tăng trưởng phước đức và đồng thời giúp cho máu huyết trong cơ thể được lưu chuyển đễ dàng hơn. Mỗi khi gặp khó khăn về tâm thức hay là cơ thể, tôi lại thầm nguyện, cầu sự gia bị của chư Phật và chư tổ để cho có thể vượt qua được những trở ngại ấy. Đôi khi tôi cũng nhớ lại những sự nhắc nhở của Thầy tôi trước khi vô tu tập, hoặc là nhớ niệm đến sự vô thường, những nguyện mà tôi đã phát để tự khuyến tấn, gia tăng thêm sức lực cho sự tu tập của tôi. Qua 3 ngày tu tập, tuy tôi chưa có đạt được gì cả, nhưng thật sự tin rằng chuyện nhất tâm bất loạn là chuyện có thể làm được, tuy không phải dễ nhưng cũng không phải là không thực hiện được, điều quan trọng mình có thật sự muốn đạt được hay không. Phần đông nhiều người chưa bắt tay vào sự tu tập thì trong tâm thức đã sanh ra 1001 cái “nhưng mà” thế này rồi thế nọ làm cản trở đi rất nhiều sự thực hành, tưởng tượng ra đủ loại khó khăn, nhưng trên thực tế thì lại không xảy ra như vậy. Theo kinh nghiệm non nớt của tôi thì hễ mà muốn tu tập thì hãy làm liền và bỏ hết tâm trí vào trong đó, ai biết được mình có thể đánh mất cơ hội ngàn kiếp một thuở được nhất tâm bất loạn, được gặp Phật, giác ngộ v v… thì đó là đều rất là uổng, còn nếu mà chưa được gì thì biết là phải cần gia công thêm và qua đó bản thân mình cũng có được một sự tiếp cận thực tế với giáo lý của Đức Phật.

Nguyện hồi hướng tất cả công đức nào có được qua các hạnh lành đã làm, qua sự tu tập đến với tất cả chúng sanh trong pháp giới, nguyện các chúng sanh đều phát tâm dõng mãnh xa lìa ta bà, cầu sanh tịnh độ.

Tỳ Kheo Thích Thông Trụ