1phowaThông thường mọi người đều nghĩ là tu mật tông là một con đường khó và chỉ dành cho những người có căn cơ đặc biệt, tôi vẫn thường nói với mọi người chỉ có những người ù lì, tức là dường như không có tham sân si mới không tu được mật tông mà thôi, còn những người thường như quý vị và tôi đều có thể tu mật tông với một ít ước nguyện thành tựu bồ đề là đủ.

Điều này ít người dám tin và nghĩ đến. Nhưng khóa tu Phowa vừa qua đã chứng minh rõ ràng đây là một sự thật.

Theo dự tính ban đầu thì người Đức sẽ tham dự khóa tu này nhiều hơn là người Á Đông, nhưng càng gần đến ngày khóa sổ thì số người Đức bị bận không đến dự được ngày càng nhiều và ngược lại số người Việt ghi danh đông hơn! Cuối cùng thì khóa tu có số người Việt là đông nhất với 21 vị (5 tu sĩ và 16 cư sĩ), chỉ có 9 người Đức tham dự và 2 người Hoa.

Chương trình chính thức mỗi ngày bắt đầu từ 6 giờ 30 ăn sáng và mỗi ngày tu tập tám tiếng gồm ba thời: 8 giờ đến 11 giờ, 14 giờ đến 17 giờ và 19 giờ 30 đến 21 giờ 30. Nhưng người Việt chúng ta lại tinh tấn hơn, tham dự cả thời công phu khuya từ 4 giờ đến 6 giờ của chúng thường trụ ở tu viện nữa.

Chính những vị tham dự khóa tu cũng không ngờ là mình có thể ngồi mỗi ngày như vậy là 10 tiếng để tu tập. Thật sự có những lúc chân cũng mỏi, hôn trầm kéo đến như một đám sương mù che mất đi tánh giác đang nhen nhúm trong tâm. Nhưng phần nhiều thì mọi người đều cố gắng tối đa để đạt được kết quả cao nhất trong khóa tu ngắn ngủi này.

Một số vị đến từ trưa hay chiều ngày thứ năm 17.06 thì còn được dự thêm một buổi quán đảnh về ngài Văn Thù bốn tay, những vị khác trong khóa tu đều nhận lễ quán đảnh về ngài A Di Đà và cuối khóa lễ quán đảnh về ngài Vô Lượng Thọ. Chắc hẳn là những vị chưa quen với mật tông sẽ hỏi “lễ quán đảnh là lễ gì? Không biết có giống như ‘truyền tâm ấn’ không nữa!”.

Xin được giải thích ngắn ở đây cho mọi người dễ hiểu: “lễ quán đảnh” là một truyền thống trong vương triều Ấn Độ xa xưa, khi một vị Thái Tử được lên ngôi, thì sẽ nhận một buổi lễ quán đảnh (dội nước lên đầu – cũng tương tự như lễ rửa tội của thiên chúa giáo – không biết đây có phải là nguồn gốc của lễ rửa tội không?), trong buổi lễ này vị Thái Tử sẽ được đội lên đầu vương miện, giao cho cây vương trượng biểu tượng của vương quyền và giao cho quyền quyết định của một vị vua.

Lễ này được sử dụng trong mật tông với một ý nghĩa tương tự như vậy. Người thọ lễ được trao cho quyền tu tập pháp môn này với tư cách của một vị Pháp Vương. Phần nhiều chúng ta đều khựng lại ở đây, không những những vị không dự lễ và không quen với truyền thống này sẽ la lên “làm sao một con người bình thường mà lại dám tự nhận mình là Pháp Vương, là Phật!” mà ngay cả những vị nhận lễ và đi trên con đường này vẫn thường phân vân và chưa dám can đảm nhìn thẳng vào bản thể của mình, vào tự tánh của mình, vào chân thật tướng của mình, để có thể chấp nhận lời đức Phật nói một cách đúng đắn: “ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”, bởi vì trên thực tế thì không có một vị Phật nào được thành cả, mà chỉ là sự trở về với cái vốn có của mình mà thôi.

Nếu thật sự có một cái Phật được thành tựu, thì cái Phật ấy cũng phải nằm trong nguyên lý tự nhiên “thành, trụ, hoại, không” của các pháp rồi. Ở đây khi chúng ta xác nhận cái bản giác của mình, không phải là mình lập tức “là” Phật trên phương diện hiện tượng, mà chỉ là xác định trở lại cái bản chất của mình để từ đó có thể sống trở lại theo bản chất này. Thế thì cái gì là cái bản chất thật của một vị Phật, đó là trí tuệ Bát Nhã và tâm Từ Bi vô lượng bồ đề. Nói một cách khác khi một hành giả đã xác định bản giác của mình thì bắt đầu sống thuận với hai yếu tố vừa nêu trên, để dần trở về với cái chân thật tánh của mình.

Giờ xin trở lại với khóa tu Phowa, chuyển di tâm thức. Trong khóa tu này người hành giả được hướng dẫn một phương pháp đặc biệt, dĩ nhiên đây là một pháp thuộc mật tông nên chúng tôi không tiện ghi ra chi tiết, để đưa thần thức của mình đi về với đức Phật A Di Đà; dựa trên ba yếu tố quan trọng là sự phát nguyện vãng sanh, niềm tin và âm thanh của các chủng tự. Tất nhiên là những pháp tu của mật tông luôn luôn gắn liền với sự quán tưởng, nhưng với những hành giả chưa quen quán tưởng thì niềm tin vẫn là một yếu tố quan trọng và lại là một phương tiện thiện xảo tuyệt vời thay thế cho khả năng quán tưởng. Vì vậy mà những vị tổ trong phương pháp tu tập này mới dám cả quyết đây là một pháp tu mà bất cứ người già – trẻ, ngu – trí, có kinh nghiệm tu tập – mới bước chân vào đạo, v.v. đều có được những dấu hiệu thành tựu trong pháp tu này.

Quả nhiên như vậy, những vị tham dự khóa tu với đầy đủ mọi thành phần và chủng tộc đều có những dấu hiệu ít nhiều về sự thành tựu của khóa tu. Ngoài ra vị Khenpo (chữ Khenpo theo trường phái Gelug có nghĩa là vị trụ trì, nhưng theo những trường phái khác, như vị Khenpo Sherab Loedro ở đây theo trường phái Nyingma có nghĩa là vị học giả – tiến sĩ phật học) còn giảng giải về bốn yếu tố căn bản của một hành giả phật giáo, đây là những bài học rất ư là căn bản mà hầu như một vị hành giả phật giáo nào cũng phải thông thuộc cũng như hành trì để có thể phát triển sự tu tập mình một cách đúng đắn, đó là: 1) cái được gọi là quý hiếm của thân người, 2) sự vô thường của các pháp, 3) bản chất khổ của hiện hữu và 4) nhân quả chi phối tất cả pháp.

Tất nhiên những vị học giả phật pháp sẽ hô lên ngay “những điều này quá xưa rồi, ai cũng biết” và ở đây câu đáp đúng đắn có lẽ là câu nói của Ô Sào Thiền Sư “điều mà trẻ nít lên ba cũng biết mà người già chín mươi làm không xong”. Vấn đề ở đây không phải là học hiểu mà là học hành, vả lại cái pháp của đức Phật không thể không hành mà hiểu được, cái mà chúng ta chỉ học hiểu là cái logic của sự suy luận theo lẽ thường tình chi phối bởi kinh nghiệm thế tục mà chúng ta hằng kinh qua chứ không phải cái mà đức Phật muốn giới thiệu đến với chúng ta. Khenpo đã không giới thiệu những pháp này như là những bài giáo lý thường thức mà là những phương pháp áp dụng trong sự hành trì căn bản của một hành giả.

Trong khóa tu cũng có một số vấn đề được đặt ra, chúng tôi xin ghi lại đây để quý vị cùng tham khảo:

– người tu Phowa có thể làm pháp này để trợ niệm cho người thân, bạn bè của mình hay không?

* Dĩ nhiên là được, lúc đó mình phải áp dụng một số quán tưởng và hành trì để giúp người thân, bằng hữu của mình vãng sanh. Tuy nhiên, nếu mình chưa thật sự thuần thục hay có một sự thành tựu khả dĩ trong pháp tu này thì nên nhờ đến những vị có kinh nghiệm thành tựu giúp đỡ sẽ đạt được kết quả hữu hiệu rõ ràng.

– làm sao biết được người chết thật sự đã được giúp đỡ bởi pháp phowa?

* Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là trên đảnh môn hiện ra một lỗ hổng (nếu theo phong tục điểu táng thì người ta sẽ phát hiện nơi sọ não của người mất có một lỗ hổng), hoặc người có tóc thì tóc nơi đó sẽ rụng xuống khi chúng ta chỉ cần rứt nhẹ ra. Những dấu hiệu khác thì cũng giống như trường hợp hộ niệm qua phương pháp niệm danh hiệu đức Phật.

– có thể làm pháp Phowa để giúp đỡ một số đông người, ví dụ như khi bị một tai nạn hay thiên tai gì đó mà nhiều người chết cùng một lúc?

* Điều này có thể làm được, hành giả phải dùng pháp quán tưởng như giúp cho một người, nhưng lúc này thì quán tưởng tất cả thần thức của mọi người chết. Chỉ cần quán chung như vậy, chứ không nên quán từng người, bởi nếu thiếu sót một người nào đó trong số tử nhân thì không hay.

– có phải tu tập pháp Phowa mỗi ngày hay không?

* Không nhất thiết là phải tụng đọc tất cả các phần trong nghi quỹ, và phát âm những chủng tự lớn tiếng; hành giả chỉ cần những khi nhớ nghĩ đến vấn đề Phowa liền thực hiện pháp quán tưởng với ba yếu tố: con đường (đạo lộ), chủ thể và mục tiêu, rồi thực hiện sự chuyển di thần thức thầm trong lòng là được. Ví như người học lái xe, sau khi đã được bằng lái vẫn phải lái thường xuyên thì mới trở thành người lái giỏi, bằng không thì sẽ bị lùi sụt và khi ngồi lên chiếc xe sẽ bở ngỡ không biết làm sao mà sử dụng vậy.

– có thể thực hiện pháp Phowa với những người không phải là phật tử hay không?

* Vẫn được như thường, vì cái mà người mất kinh qua chính là bản giác chân thật của họ, dầu họ có nhận thức cái đó là gì đi nữa thì nó vẫn luôn là cái chân lý bất biến, khi vào trong biển giác ấy rồi, thì chỉ còn đơn độc một vị giải thoát mà thôi. Tuy nhiên, người trợ niệm phải khéo léo không thể hiện bất cứ một hành động nào để người mất cũng như những người chung quanh phải nghi kỵ hay kỳ quái trước những nghi thức của mình.

– đối với người đã mất quá 49 ngày còn có thể làm pháp Phowa nữa không?

* Nếu nhờ vào một vị đại thành tựu có được trí giác cao nhìn thấy được nơi tái sanh của người mất thì vẫn có thể giúp được người ấy trở về với bản thể của mình.

Dĩ nhiên là còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng không liên quan trực tiếp với đề tài Phowa chúng tôi xin miễn ghi lại ra đây. Điều mà chúng tôi muốn trình bày là quý vị đã tham dự khóa tu nên nhớ nghĩ thường xuyên đến pháp mà mình đã học để ôn luyện hầu có một kinh nghiệm thiết thật trong đó để tự giúp mình và giúp đỡ người khác. Những vị chưa có cơ duyên tham dự cũng có thêm chút ít thông tin để có thể hiểu biết thêm một phương pháp khác của pháp tu Tịnh Độ.

Nam Mô A Di Đà Phật.