erste_monatNhư đã thông báo và lên chương trình, tu viện Vô Lượng Thọ đã mở cửa tổ chức một Ngày Cung Đón trong vòng bốn giờ đồng hồ từ 13 giờ đến 17 giờ ngày thứ bảy 07.05.2011. Đây là cơ hội để tu viện “trình làng”; chủ yếu để những người láng giềng của tu viện có dịp đến thăm viếng và tìm hiểu người hàng xóm “mới” này. Vào đầu năm 2010 khi những tờ báo địa phương đăng tin khu nhà nghỉ “Weisse Muehle” (Nhà Xay Trắng) đã được một “tổ chức” tâm linh mua lại, mọi người ở làng “Mỹ Điền” (Schoenfeld) rất là tò mò và đường giây điện thoại của làng nóng sốt cả lên về đề tài này cho đến khi mọi người có cơ hội vào thăm trang nhà trên mạng Internet của tu viện thì sự bình lặng và chờ đợi đã đẩy lui sự nghi ngờ trong tâm thức của những người dân làng này. Sau khi nhận cơ sở, việc đầu tiên được thực hiện là thăm viếng những người láng giềng cận nhà nhất và chúng tôi đã được tiếp đón rất vui vẻ cũng như mọi người cũng chờ mong có cơ hội để chánh thức đến viếng thăm tu viện. Người Việt Nam chúng ta thường nói “họ hàng xa không bằng láng giềng gần” là có ý này vậy. Trong tinh thần làm quen cũng như tạo điều kiện để người dân trong làng có thể hiểu thêm về tu viện cũng như thông cảm cho sự khép kín trong sinh hoạt của chúng trong tu viện, ngày Cung Đón đã được tổ chức.

Ngày thứ ba trong cùng tuần 03.05.2011 trời đã một lần nữa nhuộm trắng quang cảnh chung quanh làng, tuyết rơi suốt một ngày. Nhưng may mắn là ngay trong đêm tuyết đã tan, để nhường lại cho những tia nắng ấm đẩy mạnh sự bừng nở của những đóa hoa vào những ngày sau đó. Mọi người tham dự ngày này đều nói đây là một sự thành công. Chúng tôi cũng nghĩ như vậy vì trong bốn giờ đồng hồ này đã có gần bốn trăm người Đức đến thăm viếng tu viện, trong đó có cả ông tỉnh trưởng của thành phố “Luyện Khí Sơn” (Núi thợ rèn = Schmiedeberg) cũng đã đến thăm viếng tu viện một cách bất ngờ vì chúng tôi không nhận được một giấy báo tin nào của ông cả. Hơn nữa số những người Đức đến thăm tu viện là những người ở xa làng chúng tôi đến ba bốn mươi km, họ biết được là vì tờ báo tiểu bang Sachsen đã đăng tải tin ngày Cung Đón này của tu viện. Nhân ngày này cũng có những người phật tử Việt Nam đến viếng thăm tu viện “cho biết”, bởi vì thông thường tu viện sẽ không mở cửa để chấp nhận người đến như thế này. Một phái đoàn năm mươi vị đến từ Berlin, ba mươi bốn vị đến từ các thành phố Karlsruhe, Pforzheim, Heilbronn; từ tiểu bang Niedersachsen cũng có hai mươi mốt vị đến thăm; tám vị đến từ Nuernberg, từ Dresden và Tiệp cũng có khoảng ba mươi vị. Nói chung trong ngày này tu viện đã có gần sáu trăm vị đến tìm hiểu và tham quan.

Vì tu viện cũng nhỏ bé chỉ có khả năng chứa được tối đa 60 vị trong “Ngũ Quán Đường” (phòng ăn), mà các phòng tu tập khác thì cũng chỉ có thể tối đa chứa một lần 30 vị mà thôi, nên mọi người phải chịu cảnh màn trời, ghế ngồi ngoài sân ngắm cánh đồi xanh thoai thoải với những bông hoa Sư Nha (Loewenzahn) vàng rực rỡ. Tu viện cũng không có phương tiện để cung cấp ẩm thực cho nhiều người (vì chỉ là nơi tu tập, nên tất cả các phương tiện đều giới hạn phục vụ cho số người tối đa là 60 vị), nên các phái đoàn đến trước giờ chánh thức mở cửa (tức là 13 giờ) đều có chuẩn bị đồ ăn mang theo, tu viện thì nấu cơm trắng để cúng dường. Những người Đức đến thăm chủ yếu là được phục vụ trà, cà phê và các loại bánh ngọt cũng như một số món điểm tâm Á Châu. Mỗi một phái đoàn người Việt có một sư chú hoặc một ni cô trực tiếp chăm sóc và hướng dẫn trong suốt thời gian viếng thăm tu viện. Tại mỗi phòng tu tập cũng có một sư chú hay một ni cô trực ở đó để giới thiệu với những người Đức đến thăm. Tại nơi cửa ra vào của tu viện có hai vị được mời để chào hỏi và đưa tờ thông tin đến những người khách Đức. Một trong hai vị là người quen biết cũ từ khi chúng tôi còn làm trụ trì ở tổ đình Viên Giác Hannover, đó là anh Heine Dillinger, anh là một Đức thông thạo tiếng Việt và có một dòng dõi lâu đời chế luyện những món đồ mỹ thật bằng kim loại, ông tổ của anh đã từng dùng bạc, vàng và chất men để giả đồ sứ của Trung Quốc trong thời Trung Đại. Người còn lại là cô Caroline hàng xóm của chúng tôi ở đầu kia của làng, từ những ngày đầu tiên, cô đã đến tu viện để ngồi thiền và giúp đỡ những việc ở tu viện như là một phật tử thuần thành. Những người khách Đức đều rất ngạc nhiên khi được cô thay mặt cho tu viện để chào hỏi và ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng và gần gũi ngay sau khi đi xuống cái dốc  thoai thoải vang vọng những tiếng tụng niệm nho nhỏ dọc hai bên đường. Sau khi được chào hỏi bởi anh Heine và cô Caroline những người khách Đức được một em Việt Nam trong chiếc áo dài truyền thống thêu những cành sen trang nhã dẫn xuống phòng ăn và được mời ngồi vào những chiếc bàn tre đơn điệu mộc mạc với những ly trà hay cà phê bóc khói nhè nhẹ. Ở đây cũng có những vị người Việt tiếp đón và trao đổi với những người bạn Đức này trước khi các vị ấy được dẫn đi tham quan tu viện. Đến 15 giờ thì chúng tôi có nửa giờ để trực tiếp chào hỏi cũng như trình bày sơ một số ý niệm về Phật Giáo cho những người Đức này có thể hiểu được đời sống của những vị ở tu viện hơn. Sau 17 giờ tu viện cũng đã bắt đầu trở lại với nhịp sống bình lặng của nó từ hơn một năm nay. Trước khi ra về anh Heine cũng đã chúc mừng tu viện cũng như truyền đạt lại lời hỏi thăm của những người khách Đức và sự quan tâm là không biết năm sau tu viện sẽ lại Cung Đón vào ngày nào??? Một số vị khách Đức cũng đã gửi cho anh tiền cúng dường tu viện vì không nhìn thấy ở đâu có thùng phước sương cả! Lúc 16 giờ chúng tôi cũng đã dành ba mươi phút để gặp gỡ những vị phật tử cư sĩ Việt Nam và trình bày sự tổ chức cũng như tinh thần sinh hoạt của tu viện để mọi người có một khái niệm rõ ràng hơn trong sự khác biệt ở nơi này và những ngôi chùa khác.

Một buổi tổ chức như thế này, mặc dầu đơn giản nhưng cũng không thể không chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Nếu không có quý vị cư sĩ phật tử tại Dresden cúng dường đủ các loại bánh và đồ điểm tâm (những thứ này sau khi mọi người về hết chúng trong tu viện còn có thể thưởng thức cho đến hết ngày thứ hai) cũng như sự đóng góp nhiệt tình về nhân sự trong ngày cung đón này thì chắc chắn sẽ không thể nào thực hiện được. Chẳng những vậy mà hai tuần trước đó đã có hơn mười vị đến tu viện để lau dọn, chùi rửa, thậm chí là đập đá, chẻ cũi để tạo cho tu viện có một cái mặt “trình làng” tương đối. Đây là một thứ tình cảm ấm áp của những người đồng hương, đồng đạo ở một nơi xa quê hương. Những vị cư sĩ phật tử khác đến từ phương xa cũng đã góp tay khuân đá, dọn bàn v.v. làm cho mọi người đều cảm thấy như trở về lại ngôi nhà tâm linh của chính mình vậy. Những vị cư sĩ Việt Nam nó hai chương trình trong ngày này đó là chương trình phóng sanh và chương trình trồng cây, đều là những việc làm có ảnh hưởng kéo dài thọ mạng cho chính mình và chúng sanh.

Sau ngày tổ chức này chúng trong tu viện đã họp lại để trình bày những cảm nhận của từng vị trong ngày trước đó, không ai là không tán thán sự đóng góp nhân lực, thực phẩm của mọi người đến với tu viện trong thời gian trước đó và cho ngày cung đón này. Mặc dầu rất nhiều người Đức cũng như người Việt đều tỏ sự quan tâm và mong muốn có ngày cung đón như thế này trong năm sau, nhưng chúng của tu viện sẽ họp lại sau ba tháng để tham khảo và quyết định. Tuy nhiên, chắc chắn một điều, đó là ngày cung đón này sẽ không trở thành một ngày “truyền thống” của tu viện, mà có thể hai năm sau tu viện mới tổ chức lại, nhưng cũng có thể là phải ba năm sau, năm năm sau cũng không chừng. Tất cả còn tùy vào nhiều nhân duyên. Nhưng một điều chắc chắn khác nữa là những vị nào phát tâm về tu viện tu tập theo như điều kiện mà tu viện đưa ra, đều được chấp nhận và chiếu cố để có thể đạt được kết quả tốt đẹp nhất trên con đường tâm linh mà với môi trường đơn sơ của tu viện có thể cung ứng đến.