Qua Khóa Tu Thiền 10 Ngày (tháng 03 2012) bài viết của Ngô Hoa
Vào ngày thứ bảy của khóa tu, tôi không làm sao tập trung được nữa, mặc dầu đã cố gắng hết sức rồi. Ý niệm cứ thay nhau hiện lên liên tục trong đầu. Tôi tự nói ‚phải đối mặt với chúng ngay.
Đang nửa đêm tôi ngồi dậy, lấy viết và giấy ra để ghi lại những gì đã trải qua. Bài viết này do đó mà hình thành.
Tôi cũng chỉ là một người đàn bà như bao nhiêu người phụ nữ khác với những vết xẹo mà đời đã để lại nơi tôi. Cha tôi đã chết trên trận chiến. Mẹ tôi ở góa nuôi ba anh em tôi, nhưng chúng tôi luôn có được một cuộc sống thoải mái. Những lúc sau này, khi chỉ còn tôi sống với mẹ, bởi hai người anh của tôi đã lên thuyền vượt biên với những người khác, tôi rất được nuông chiều và hầu như đều có được những gì mình muốn có mà không phải chịu chút cực khổ nào. Cuộc sống tôi cứ như thế mà qua. Thời gian đi qua. Có những sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời làm tôi bị mất đi sự quân bình vốn có. Ở đâu tôi cũng thấy và thậm chí còn cảm nhận nơi bản thân mình sự khổ đau, bệnh tật và tự hỏi vì sao như vậy!
Từ đó tôi cho tôi một mục đích để sống là tìm một cái gì đó có thể cho mình thoát khỏi những thứ đó.
Tôi đã mua rất nhiều sách, bởi vì tôi muốn từ đó biết được những gì mình đang tìm tòi và vì ở nơi tôi đang sống cũng không có một phương tiện nào khác thích hợp hơn cho sự tìm hiểu của tôi. Tôi đã đọc sách của Osho, Thiền Sư Thiện Hải và học pháp du già vương (Raja Yoga, một pháp tu du già thiền quán về ánh sáng, với sự an trú trong ánh sáng đó). Cho đến khi tôi được anh tôi kể về khóa tu thiền do Đại Đức Thích Hạnh Tấn hướng dẫn. Đó là vào cuối tháng bảy 2011. Lần này là khóa thiền thứ ba mà tôi tham dự.
Chúng tôi chỉ hơn mười người, trong đó có hai thầy và một cô, đã tham gia khóa thiền này. Mặc dầu hoàn cảnh và cá tánh của chúng tôi rất khác biệt, chúng tôi đã đối xử với nhau rất hòa nhã và thông cảm trong suốt khóa tu. Mười ngày trôi qua rất nhanh (Mặc dầu nó cũng rất nhiều đau đớn). Tôi mất đi cảm giác về thời gian, đôi khi chợt nghĩ lại bàng hoàng tự hỏi hôm nay là thứ mấy rồi! . Ở đây giống như là một nơi tiên cảnh tại nhân gian vậy, phong cảnh thật tuyệt vời, có núi chập chùng và không khí an tĩnh trong lành. Nhưng phải thành thật thú nhận là tôi cũng không có thưởng thức phong cảnh đẹp này ở đây nhiều như nếu là ở một nơi khác. Bởi vì một thứ gì linh thiêng đã lôi cuốn tôi nhiều hơn.
Thời tu thiền bắt đầu.
Tôi có được những kinh nghiệm tốt cũng như xấu (đúng ra là không có một kinh nghiệm nào gọi là xấu cả, bởi chúng được nhận biết để chúng ta có cơ hội học hỏi từ đó, có phải vậy không?) Tôi đã vô cùng tuyệt vọng, bởi vì tôi có nhiều nỗi sợ hãi và bất an, bởi vì tôi cũng có nhiều kỳ nghiệm kỳ dị trong lúc thiền, ví dụ trong một thời thiền hành những bước chân (theo tôi cảm nhận như vậy) của tôi đều tự động và tuyệt hảo, nhiều lúc tôi hoàn toàn mất đi sự kiểm soát đối với chúng. Đôi lúc tôi không cách nào nhấc chân lên được hoặc bước tới được. Tôi không còn có sự tự chủ và dường như có một sức mạnh nào đó đã chiếm lĩnh tôi mất rồi. Trong lúc ngồi thiền, tôi thấy có ánh sáng và chạy theo chúng để coi thử phía sau nó là thứ gì. Tôi kinh hoàng và đã hỏi thầy. Thầy đã hướng dẫn tôi không nên để các vọng tưởng khởi lên và nếu nó đã xuất hiện thì không nên chạy theo nó, hãy luôn nhớ giữ sự tập trung nơi mũi, chỗ hơi thở ra vào và pháp thiền đi là để thiền sinh tập làm chủ lại các động tác của mình chứ không phải để nó hoạt động một cách tự động theo cảm giác.
Ngày hôm sau vào buổi sáng sau giờ điểm tâm tôi đã ra quét sân, không biết vì sao tôi lại chọn công việc dùng xẻng để xúc những đất cát bám chặc dưới nền lên. Tôi đã làm việc này rất hăng say, dường như là tôi đang muốn đẩy một cái gì dính chặc trong tôi ra khỏi mình. Toàn bộ cần phải được xúc ra, và trước tôi là một đám đất. Tôi lấy một cây chổi để quét nó đi, và nơi đó tôi đã thấy tất cả những gì đã từng là chỉ còn bụi và tro đang được gió thổi đi.
Mọi thứ đều tan biến, dường như ngay cả chính bản thân tôi. Tôi quét và quét tiếp tục để có thể nhìn rõ hơn những gì đang hiện ra. Rồi giờ thiền tập kế tiếp đã đến. Tôi bắt đầu thời công phu này với sự đặc biết chú tâm vào hơi thở. Tôi chú tâm vào lỗ mũi như là một người canh cửa. Tôi cố gắng lắng nghe tiếng ra vào của hơi thở và những cảm thọ mà mỗi lần hơi thở cọ vào cánh mũi đã để lại. Sau một lúc tôi cảm nhận được một trạng thái rất dễ chịu, một sự hài lòng mà trước nay tôi chưa từng thấy xuất hiện nơi tôi. Nhưng lần này tôi chỉ chú ý đến hơi thở thôi. Chậm rãi thì sự đau nhức cũng đã đến, nhưng lần này tôi đã chinh phục nó bằng cách khác.
Trước khi chấm dứt khóa thiền một ngày thầy Hạnh Tấn đã giao cho chúng tôi mỗi người một bài tập. Bài tập của tôi là chú tâm vào thiền đi và những hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày.
Kinh nghiệm của tôi có được là mặc dầu trong suốt thời gian này tôi ăn rất ít nhưng vẫn no, có lẽ là vì tôi nhai kỹ và từng hương vị của thực phẩm trong mỗi miếng ăn được nhận ra rất rõ. Sự đòi hỏi về những thứ vị cay, mặn, nồng, đắng như muối, tiêu, cà phê v.v. đã ngừng lại một cách tự nhiên. Hoặc là sự ham thích của tôi về món chè cũng được chế ngự, thay vì như mọi khi tôi ít nhất là phải ăn hai chén mới đủ.
Và ngay cả việc ngủ nghỉ cũng vậy, mặc dầu đôi khi tôi cũng cảm thấy buồn ngủ nhưng lại rất khỏe.
Một người thiền sinh có thể ngủ lại trong phòng thiền nếu muốn, để có thể thiền tập bất cứ lúc nào.
Mỗi người nằm trong một ngăn nhỏ với một tấm nệm mỏng. Khi nằm trong đó tôi đã nghĩ về cuộc đời của mình và ngạc nhiên là người ta có thể vô cùng hạnh phúc với một căn phòng tí hon và một tấm nệm mỏng.
Những công việc trong sinh hoạt hằng ngày tôi đã làm chậm hơn bình thường qua thiền tập và kết quả đã thể hiện một cách rõ ràng. Ở đây tôi tập hướng đến công việc từ một ý nghĩa và một khía cạnh mới. Không phải làm vì bắt buộc làm mà vì một ý nghĩa sâu xa hơn nơi đó.
Điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta có khả năng vượt lên trên những giới hạn của chúng ta, ngay cả đối với sự đau nhức khi chúng ta có một mục tiêu rõ ràng trước mắt và có sự chuẩn bị đầy đủ. Thầy Thông Trụ đã nói với chúng tôi như thế về kinh nghiệm của thầy, khi thầy thực hành Ban Châu Tam Muội (chỉ kinh hành, niệm và quán tưởng về đức Phật) trong suốt 7 ngày đêm. Con cũng rất biết ơn sự chia xẻ kinh nghiệm này của thầy Thông Trụ, nó đã là một tư lương cho con trong những ngày thiền tập kế tiếp.
Khi chúng ta còn có cơ hội, chúng ta vẫn còn có thể tu tập, không phải vậy sao? Sự lập lại sẽ biến thành thuần thục. Không phải đây là mục đích của chúng ta sao? Bỏ lại cuộc sống này sau lưng và tu tập để có thể chứng nhập Niết Bàn hay tối thiểu để đời sau còn có cơ hội gặp được Phật Pháp trong một môi trường tu tập thuận lợi.
Nhưng đối với tôi một người chưa phải là phật tử thì chúng ta đã có được một phần nhỏ của kết quả trong lúc chúng ta thiền tập rồi, bởi vì chúng ta đối với chính mình và người khác đã có một cái nhìn và một lối hành xử khác rồi. Tôi có ý nguyện xin được quy y Tam Bảo lần sau khi đến tu viện, nếu Thầy cho phép. Tôi thấy rõ rằng đây là phương pháp duy nhất để một con người bình thường như tôi có thể thoát khỏi những ràng buộc, khổ đau và bệnh tật trong cuộc sống đảo điên này.
Chúng ta có cơ hội tốt được sanh ra với thân người và những điều kiện tốt đẹp của nó. Nhưng có rất nhiều người đã không nhận ra điều này cho đến khi nó đã quá trễ. Chúng ta cần nên nhìn thấy mục đích và nhớ nghĩ đến nó, chớ không chỉ nghĩ đến sự đau đớn như là một trở ngại, bởi cái mục tiêu mà chúng ta không thể ngờ là nó có thể đạt được đó thật sự rất gần chúng ta. Chỉ cần bắt đầu thôi. „Con đường dài nhất cũng chỉ bắt đầu bằng bước chân đầu tiên, có phải vậy không?“
Sự thử thách lớn nhất là đời sống trong gia đình, bởi sự hiện hữu thực tại của sinh hoạt hằng ngày mà tôi phải đối mặt và không còn có thời gian cũng như sự yên tĩnh nữa. Nhưng tôi cũng tin chắc rằng, tôi sẽ thành công để có thể tu tập trong cuộc đời nhiễu nhương này và có thể mang lại một ít trật tự trong cuộc đời của tôi và những người chung quanh tôi, bởi vì tôi đã có được một tri kiến mới rồi. Bằng không chúng ta chỉ xoay quanh một vành bánh xe mà không cách nào tiến tới được, khi chúng ta bị trói chặc bởi cảm thọ, giận hờn, tham vọng, ái dục để không thể, hay không còn, tìm thấy chính hơi thở của mình nữa, cái hơi thở mà cơ thể này rất cần phải có.
Có một câu nói „Niềm tin có thể dời non lấp biển!“ Vậy thì chúng ta hãy bắt đầu đi. Phật lực sẽ đưa chúng ta đi tiếp. Trong ý nghĩa này chúng ta gặp nhau.
Con cũng xin cám ơn thầy Thích Hạnh Tấn, người đã tạo điều kiện và hướng dẫn cho chúng con trên con đường chứng ngộ này.