Năm 1914 Rinpoche được sinh ra trong một gia đình nông dân thuộc quận Dagyab của tỉnh Kham miền Tây Nam Tây Tạng gần biên giới Trung Quốc.
Cái tên Ugyen Tseten là do cha mẹ ngài đặt cho. Lúc ngài lên bốn cha mẹ ngài bắt đầu dạy ngài đọc, viết và học thuộc lòng những bản kinh văn Phật Giáo.
Ở Quận Dagyab có rất nhiều tự viện với những ngôi điện Phật to lớn và rất đông tăng chúng tu học. Ngay cả những người tại gia cũng rất có tín tâm và tinh tấn tu tập những nghi quỹ mật tông. Qua đó ngay từ nhỏ ngài Ugyen Tseten đã tiếp cận với phật giáo một cách sống động, nhưng mãi đến khi lên 19 tuổi ngài mới có cơ hội tham dự chánh thức vào khóa học Phật.
Ngài đã lớn lên trong nông trại với ngựa, bò, dê và làm đủ các công việc đồng án. Cha mẹ ngài thầm hy vọng là sẽ có chỗ nương tựa lúc tuổi về chiều. Nhưng ngài đã tự nuôi một ước nguyện cho riêng mình. Cũng như đối với những sự kiện khác trong cuộc đời của ngài, ước nguyện này cũng cần có một thời gian dài mới đạt được, qua đó ngài đã tập được đức tính nhẫn nại. Đức tính này về sau được chính đức Dalai Lama tán thán.
Khi ngài lên mười có một tu sĩ người Trung Hoa ghé ngang làng của ngài và xem bói cho những người trong làng. Vị tu sĩ này đã làm ngài vô cùng vui mừng khi nói lên lời khuyên mà ngài đã từng mơ ước bấy lâu nay: „Hãy xuất gia đi, cuộc đời em sẽ trở nên tươi sáng vô cùng.“ Chú nhỏ Ugyen đã nuôi ước nguyện này mãi cho đến chín năm sau khi cuộc chiến tranh Hoa Tạng bùng nổ. Chú và một số bạn đồng lứa đã trốn nhà đi đến thủ đô Lhasa, nơi mà có nhiều tu viện, phật học viện nổi tiếng đang đào tạo những tu sĩ phật giáo. Trên lưng những con trâu lông và ngựa họ đã đến được Lhasa sau một tháng và 27 ngày.
Năm 1933 thanh niên Ugyen Tseten 19 tuổi đã đến được Lhasa và vào tu viện Sera bắt đầu chương trình tu học ở đây và không ai ngờ rằng đây là những bước đầu tiên trên con đường thành tựu của một trong những bậc Hành Giả Mật Tông lỗi lạc nhất trong thời cận đại.
Những năm đầu tiên là những năm vô cùng cam go vì thường là ngài không hiểu được hết nội dung của những đề tài mình học. Nó làm cho ngài mất chí khí và bất mãn, thậm chí ngài còn nghĩ đến việc trở về lại làng mình. Nhưng ngài đã không buông xuôi và đã trì chí ở lại, mặc dầu lòng vẫn luôn lo lắng là mình sẽ không theo nổi sự tu học này.
Ngài đã tu học về Bát Nhã, hệ Logic của Trung Thừa và Đại Thừa. Ngoài ra còn học về các Ba La Mật, Trung Quán Luận, Thắng Pháp A Tỳ Đạt Ma và Luật tạng. Hơn một năm trời ngoài những giờ tu học trong ngày mỗi tối còn phải có hai thời thảo luận Phật Pháp. Tổng cộng ngài đã học sáu năm về Bồ Đề Hạnh của ngài Di Lặc
Năm lên 25 tuổi ngài được hòa thượng đàn đầu Purbutschok Dshampa Rinpche, thầy giáo đạo của đức Dalai Lama thứ XIII, cho thọ giới tỳ kheo với pháp hiệu là Yeshe Soenam.
Yeshe Soenam Ugyen Tseten đã được tu học trực tiếp với những bậc thầy vĩ đại thời bấy giờ. Hơn hai tháng ngài đã được Pabongka Rinpoche hướng dẫn về tám truyền thống lớn của pháp tu Lamrim.
Ở Sera không có nhiều thời gian rãnh rỗi. Ngày nào cũng đầy những thời khóa thiền quán, học phật, thảo luận, đôi suốt cả đêm dài. Những vị tu sĩ kháo với nhau rằng: „nếu lỡ lứa bén tóc cháy đầu, chúng ta cũng không có thời giờ mà giập tắt nó nữa!“. Nhất là trong bốn năm học Trung Quán, với những bài luận của các tổ Ấn Độ như Long Thọ Bồ Tát, Nguyệt Xứng Bồ Tát và tổ Tây Tạng như ngài Tsongkhapa.
Ngài cũng đã nhận từ hai vị thầy quan trọng của đức Dalai Lama là Trijang và Ling Rinpoche những pháp điểm đạo và những pháp tu thiết yếu. Mỗi một tu sĩ có nhiều vị thầy mà tất cả các vị thầy đều sách tấn tu học, thiền quán vượt qua những sự thiếu thốn vật chất trong đời sống tu viện.
Cuộc xâm chiếm Tây Tạng của Trung Quốc làm ảnh hưởng không ít đến đời sống của tu viện, ngài cảm thấy hoàn cảnh này rất khó khăn cho sự tu tập và nổi lên một sự khát khao mãnh liệt đối với sự tu tập ở một nơi hẻo lánh. Nhưng khát vọng này cũng phải chờ đợi một thời gian lâu sau mới trở thành hiện thực được. Trước mắt là phải hoàn tất khóa học với những đề mục thuộc À Tỳ Đạt Ma trong luận Câu Xá và học về Luật Tạng.
Năm 1958, sau 25 năm học Phật ngài đã bước vào trường thi để tốt nghiệp trở thành một vị Geshe Lharampa (tương đương với tiến sĩ Phật Học – theo hệ giáo dục phương tây). Trường thi được tổ chức với sự hiện diện của hàng ngàn vị trụ trì các tự viện, các vị Geshe lỗi lạc và hàng chục ngàn tăng sĩ của ba tu viện Sera, Ganden, Drepung; trong đó thí sinh phải thảo luận về Phật Pháp và chỉ cần một câu trả lời sai sẽ dẫn đến việc đánh rớt. „Thật sự đó là một áp lực vô cùng lớn lao đối với thí sinh, khi phải thảo luận hoàn toàn chuẩn xác trước một hội đồng khán thính giả đông như vậy!“ ngài đã tỏ bày chân thành.
Năm 1959, khi hay tin đức Dalai Lama đã thoát được đến Ấn Độ thành công, nhiều vị đại sư và Geshe đã theo gót ngài mà trốn sang Ấn Độ. Mặc dầu không có một sự chuẩn bị chu đáo cho con đường cam go đầy băng tuyết vượt dãy Hy Mã Lạp Sơn mọi người đã đến nơi an toàn với sức cùng lực kiệt. „Nỗi sợ hãi trước hồng quân Trung Hoa đã làm cho chúng tôi trở nên linh hoạt hơn rất nhiều!“.
Những bậc đạo sư của cả bốn trường phái Phật Giác Tây Tạng đều đã trốn được và gặp nhau trở lại ở Buxa cùng sống và tu tập với một môi trường vô cùng eo hẹp và cam khổ. Nhưng sau đó mọi việc đã tốt dần lên. Ngài Ugyen Tseten cũng được đức Dalai Lama đưa sang Thụy Sĩ năm 1967 để chăm sóc tu viện Rikon tạo điều kiện cho những người dân Tây Tạng tỵ nạn ở đây được tiếp cận với Phật Pháp và nuôi dưỡng truyền thống tu học của mình. Đến năm 1974 ngài được trở về lại Ấn Độ và làm viện trưởng Đại Học Mật Tông Gyume tại Hunsur mặc dầu ngài vẫn khát khao được nhập thất một lần, dưới sự hướng dẫn của ngài nơi này đã phát triển một cách tốt đẹp.
Mãi đến năm 1977 ngài được sự đồng ý của đức Dalai Lama nên đã bãi nhiệm và quay về thụy sĩ để nhập thất trong vòng năm năm. Ba năm đầu ngài đã tu những pháp dự bị (Năm pháp căn bản và bốn pháp đặc biệt của Ngoendro), hai năm sau đó ngài đã tu trì pháp Yamantaka, trong hai năm này ngài đã trì tụng mười ba triệu lần thần chú của bổn tôn Yamantaka, biểu hiện trí tuệ pháp thân của thập phương chư Phật.
Cuối thập niên 80 ngài đã về hẳn ở Sera Jhe miền nam Ấn Độ và mỗi năm ngài sang lại Thụy Sĩ (lần cuối cùng vào năm 2002) để hướng dẫn tu học vài tháng cho đến khi tuổi già không cho phép ngài đi xa nữa. Những đệ tử của ngài đã tìm về Sera để nhận pháp nơi ngài, bất cứ ai khi tiếp cận với ngài đều cảm nhận được một năng lực an lạc từ nơi ngài tỏa ra làm hành trang cho sự tu tập của chính bản thân mình.
Mùa hè năm 2007 mọi người kháo với nhau về việc Ugyen Tseten Rinpoche dâng hiến toàn bộ của cải của mình cho tu viện và chư tăng. Một vị đệ tử của ngài muốn nhân cơ hội làm một lễ cầu nguyện trường thọ cho ngài, nhưng ngài đã không đồng ý và cho biết mình sẽ không sống quá 93 tuổi.
Một tuần trước khi mất, ngài đã ngồi xe lăn kinh hành chung quanh tu viện Sera hai vòng. Đến ngày 4 tháng 10 năm 2007 bỗng nhiên ngài ngã bệnh và được đưa vào bệnh viện, bác sĩ cho biết là trái tim ngài đã yếu lắm nên cho về lại tu viện. Cho đến ngày 11 tháng 10 ngài đã thiền định và tu tập rồi trút hơi thở cuối cùng. Dầu vậy ngài vẫn tiếp tục ở trong thiền định cho đến đêm 17 tháng 10 thần thức ngài mới rời khỏi nhục thân; chứng minh cho việc này là thân thể ngài trong suốt thời gian không có một dấu hiệu nào của sự thối rữa hay hư hoại.
Sau lễ trà tỳ nhục thân của ngài vào 20 tháng 10 chư tăng đã thu thập từ trong đống tro tàng rất nhiều hạt xá lợi màu trắng và màu đỏ. Những viên xá lợi này làm tăng tín tâm của mọi người về kinh nghiệm chứng đắc của ngài với pháp môn mà ngài tu tập.