Biển Xanh Phỏng dịch theo phần: “A History of Dalai Lamas within the Context of Their Times” của tác giả Ardy Verhaegen

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV ra đời vào năm 1935 – sau khi đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII viên tịch khoảng hai năm. Nỗi thất vọng đang lan tràn trong cả nước và tình hình chính trị vô cùng bất ổn. Chính quyền dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc từ chối việc thừa nhận nền độc lập của Tây Tạng và đã tấn công sâu vào các quận phía đông.Trung Quốc đã thiết lập một bộ phận đại diện không chính thức ở Lhasa bằng cách cử một phái đoàn sang ngỏ lời chia buồn và bày tỏ sự kính trọng đối với tang lễ của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII rồi lưu lại ở đó luôn. Nguyên tổng tư lệnh quân đội và cũng là người cố vấn của đức Đạt-lai Lạt-ma – Lungshar –  đã cố lật đổ chính quyền Tây Tạng và thiết lập một nền cộng hoà; nhưng kết quả là ông ta bị mù và bị tù chung thân. Viên quan nhiếp chính Reting Rinpoche – người đã từng rất thân tín với đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII – vẫn còn rất trẻ và có phần hơi nhẹ dạ nên đã bị ảnh hưởng một chút bởi Lungshar. Ngoài ra, ngài Panchen Lama – một nhân vật rất được kính trọng vẫn còn đang sống lưu vong và sự trở về của ông ta đang còn được thương lượng.

Khi xác ướp của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII trong tư thế ngồi, mặt hướng về phía Nam nhưng có hai lần đầu của Ngài lại quay về hướng Đông. Một chiếc nấm hình ngôi sao thật to được tìm thấy trên cây cột trong phòng thờ xác ướp của Ngài. Những dấu hiệu này đã gợi ý cho viên quan nhiếp chính đi tìm kiếm sự nhìn thấu thị qua hồ Thiêng Nữ Thần Lhamo Latso. Sau khi cảm nhận được một cảnh tượng, viên quan nhiếp chính đã thỉnh ý của thần tiên tri Nechung và đã hướng dẫn phái đoàn tìm kiếm đi về hướng Đông. Phái đoàn đến vùng Amdo đã tìm thấy ngôi đền ở chùa Kumbum và căn nhà của cậu bé giống như trong cảnh tượng mà viên quan nhiếp chính đã nhìn thấy bằng phương pháp thấu thị. Ngôi nhà này thuộc làng Taktser và chính là ngôi nhà mà đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII đã chú ý đến khi Ngài dừng lại đó trên đường trở về Lhasa vào năm 1909. Cậu bé lúc ấy đã được hai tuổi và là một trong ba ứng cử viên do ngài Panchen Lama gợi ý. Cậu ta đã nhận diện ra các thành viên trong phái đoàn tìm kiếm và qua sự thử nghiệm, cậu đã có thể chọn ra một cách chính xác những vật dụng đời trước của mình giữa những vật mô phỏng mẫu được chế tạo một cách vô cùng khéo léo. Bên cạnh đó, tên của Ngài lúc bấy giờ là Lhamo Dondup và những dấu hiệu đặt biệt trên thân thể của Ngài đã biểu hiện Ngài chính là một Đạt-lai Lạt-ma. Tất cả những điều này đã khiến cho cha mẹ Ngài vô cùng sững sốt! Họ là những nông dân khiêm tốn và chất phát. Họ cũng đã sinh ra một vị Tulku cấp cao trong dòng Thubten Jigme Norbu – Taktser Rinpoche – hiện đang ở tại chùa Kumbum. Lhamo Dondup được giữ lại ở Kumbum 2 năm dưới sự chăm sóc của người chú ruột và hai người anh đều là Tăng ở chùa đó. Sự trì hoãn dai dẳng việc đưa Lhamo Dondup đến Lhasa là do những yêu sách của Tư lệnh quân sự Trung Quốc ở địa phương bắt phải đóng một khoảng tiền khổng lồ trước khi cho phép cậu bé khởi hành. Một đoàn người – bao gồm cả cha mẹ cậu bé – cuối cùng đã lên đường đi Lhasa vào năm 1939. Vào tháng 10 năm 1939, viên quan nhiếp chính đã cử hành lễ xuống tóc xuất gia cho đức Đạt-lai Lạt-ma và đặt pháp danh Ngài là Tenzin Gyatso. Tháng 02 – 1940, ngài được đăng quang vào Cung điện Potala trước sự tham dự của đông đảo Tăng chúng và các đặc phái viên đại diện của các quốc gia lân cận. Chủ tọa là hai vị Thầy Gia Sư Chánh và Phó của Ngài.

Tenzin Gyatso sống ở cung điện Potala cùng với người anh trai là Lobsang Samten. Cuộc sống cùa Ngài được tiếp quản bởi những bậc Lão Tăng trưởng thượng. Gia đình Ngài chỉ thỉnh thoảng mới được đến thăm và phải gọi Ngài là Đạt-lai Lạt-ma. Kenrap Tenzin – một thành viên trong phái đoàn tìm kiếm đã trở thành tham mưu trưởng của Ngài. Ông cùng với Ketswang Rinpoche – vị Thầy Gia Sư thứ ba của Ngài đã chịu trách nhiệm hướng dẫn, dạy dỗ Ngài trong những năm đầu tiên sau khi Ngài được đăng quang. Vị Đạt-lai Lạt-ma tí hon này luôn thể hiện được sự thông minh xuất chúng của mình. Ngài cũng chứng tỏ được một trí nhớ phi thường, không bao giờ quên bất cứ một câu chuyện nào mà mình đã được nghe kể qua dù chỉ một lần. Vào năm 1946, sau một lần đánh lộn, cậu bé Tenzin Gyatso can đảm và đầy xông xáo đã khiến cho anh trai mình – Lobsang Samten – bị thương; vì vậy người ta phải đưa Lobsang Samten về nhà sống với bố mẹ.

Cuối năm 1940, viên quan nhiếp chính Reting xin từ chức vì không được quần chúng ưa chuộng. Taktra Rinpoche – một người đã luống tuổi và có tính thận trọng hơn đã được bổ nhiệm làm Quan nhiếp chính kiêm Chánh Gia Sư của đức Đạt-lai Lạt-ma. Ling Ripoche – một học giả nổi tiếng – cùng với vị Viện trưởng chùa Gyudto trở thành những vị Thầy Gia Sư Phó mới của Ngài. Trijang Rinpoche – một học giả nổi tiếng khác – làm vị giám sát về vấn đề giáo dục cho đức Đạt-lai Lạt-ma từ khi Ngài vừa tròn tám tuổi. Chương trình học vấn của Ngài ngày càng nhiều và càng trở nên phức tạp hơn; tuy nhiên, sau một khoảng thời gian chịu đựng bền bỉ trong giai đoạn đầu, Tenzin Gyatso đã chứng tỏ được khả năng của mình tương đương với các vị Thầy của ngài. Ngài có hứng thú muốn chuyển sang các luận thuyết cao hơn và vượt hẳn những yêu cầu qui định. Khi học đến các phép triết học biện chứng, Tenzin Gyatso – cũng giống như tiền thân của mình – đã trở nên vô cùng xuất sắc ngay từ khi còn bé. Trước năm 13 tuổi, Ngài đã có thể tranh luận trước hàng trăm Tăng chúng của chùa Sera và Drepung, điều này khiến cho mọi người phải thừa nhận Ngài như một Tăng sĩ thực thụ dù chỉ ở độ tuổi tí hon ấy. Với nền học vấn ấy và nhiều giờ thiền quán mỗi ngày cùng với các buổi lễ quán đảnh, Ngài đã cống hiến thân và tâm mình cho sự phát triển tâm linh ở mức độ thâm diệu nhất, tiến trình này được duy trì mãi cho đến khi Ngài bảo vệ thành công bằng tiến sĩ Phật học vào năm 25 tuổi.

Đức Đạt-lai Lạt-ma đặc biệt chú ý đến những sự kiện của thế giới bên ngoài và đã lượm lặt tin tức từ một tờ báo Tây Tạng được đăng ở Ấn Độ do Hội truyền giáo Anh quốc ở Ấn gởi đến Lhasa cho Ngài; và từ những sách vở, giấy tờ mà Sir Charles Bell đã gởi cho đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII. Ngài cũng mong ước được học tiếng Anh và Ngài đã bắt đầu bằng những cuốn sách được sử dụng một cách ngắn gọn trong trường Anh ngữ được thiết lập ở Lhasa vào năm 1945. Tuy nhiên, ngay sau đó, ngôi trường này bị buộc phải đóng cửa do sức ép của các tự viện vì họ sợ rằng điều này sẽ có hại cho tôn giáo của họ. Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng quan tâm đến tất cả các loại thiết bị dụng cụ chế tạo máy và các cơ cấu máy móc. Ngài thường hay tự mò mẫm sửa chữa những chiếc xe của đức Đạt-lai Lạt-ma trước. Ngài thích chiếc máy chiếu phim được tặng cho đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII và đó cũng là cái cớ để Ngài có thể mời Heinrich Harrer đến Norbulingka để giám sát công trình xây dựng rạp chiếu bóng của Ngài. Một người Úc vừa thoát khỏi trại tù binh của Anh ở Ấn Độ đã trở thành bạn của vị Đạt-lai Lạt-ma trẻ tuổi này, đã dạy tiếng Anh cho Ngài và phải trả lời vô số câu hỏi của Ngài về thế giới bên ngoài.

Chính phủ Tây Tạng quyết định duy trì trạng thái trung lập trong suốt Thế chiến thứ II. Chính quyền dân chủ Trung Quốc liên minh với Anh và phải đương đầu với tình trạng bất ổn của tuyến đường tiếp tế thông qua Miến Điện, họ loan báo ý định là sẽ mở một tuyến đường xuyên suốt qua miền đông nam Tây Tạng đến Ấn Độ. Tây Tạng đã phản ứng lại với binh lính ở vùng biên giới; tuy nhiên, tình hình trở nên dễ dàng hơn khi Anh thuyết phục Tây Tạng cho những tiếp tế phi quân sự được phép vận chuyển ngang qua nước mình bằng cách chuyên chở bằng súc vật, nhờ vậy đã phát triển được rất nhiều về vấn đề mậu dịch nói chung và sự giao tiếp với thế giới bên ngoài nói riêng. Những ảnh hưởng của phương Tây cũng tăng dần và chiếm được sự ưa chuộng của giới thượng lưu. Tuy vậy, các Tự viện, chùa chiền vẫn kiên quyết chống đối những đường lối của phương Tây bằng cách như đóng cửa các trường tiếng Anh, giữ không cho dân Tây Tạng biết gì về những biến đổi đang diễn ra ở thế giới xung quanh.

Tây Tạng luôn nỗ lực tỏ ra cho thế giới biết mình là một quốc gia độc lập. Họ đã phái các đặc sứ đầy thiện chí đến Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 1946. Trung Quốc thì muốn khoe khoang rằng Tây Tạng là một phần của Trung Quốc nên đã xoay sở mời một số người Tây Tạng tham dự cuộc họp quốc hội của Trung Quốc rồi quảng cáo về những sự kiện này như thể những người Tây Tạng là các thành viên của quốc hội. Năm 1947, để chống lại sự mong ước của Trung Quốc, Tây Tạng đã tham dự Hội nghị các quan hệ Hữu nghị châu Á tại Ấn Độ.

Tháng 8 năm 1950, một trận động đất kinh hoàng kèm theo những hiện tượng khí quyển bất thường đã gây náo loạn khắp Tây Tạng. Nhiều người – kể cả đức Đạt-lai Lạt-ma – qua sự kiện bị tàn phá này – đã thấy được điềm báo trước về số phận của đất nước của họ. Tháng 10 năm 1950, Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng từ đông sang tây và nhanh chóng làm bá chủ nhiều khu vực. Ấn Độ đã kháng cự một cách yếu ớt và sau đó Anh đã trì hoãn tất cả các cuộc đàm phán về Tây Tạng tại Liên Hiệp Quốc và tình trạng này đã kéo dài đến 9 năm. Tây Tạng đã không để ý đến sự cảnh báo trong lời di chúc cuối cùng của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII, đã không chuẩn bị sẵn sàng để đối đầu với sự tấn công dữ dội của Trung Quốc. Trung Quốc liên tục xâm chiếm hầu hết lãnh thổ Tây Tạng và đã tuyên bố rằng Tây Tạng là một phần không thể thiếu được của Trung Quốc. Chính phủ Tây Tạng, sau khi tham khảo ý kiến của vị thần tiên tri Nechung, đã quyết định trao quyền lãnh đạo quốc gia cho đức Đạt-lai Lạt-ma khi ấy mới 16 tuổi.

Ngay trước khi đức Đạt-lai Lạt-ma nhậm chức, anh trai của Ngài là Thubten Jigme Norbu (Takster Rinpoche) – viện trưởng của tu viện Kumbum – từ Amdo đến. Ông đã kể về sự khủng bố hết sức dã man của quân xâm lược Trung Quốc đối với các Tự viện, chùa chiền; tàn sát Tăng chúng, hủy hoại Kinh sách và liên tục quấy rối, đe dọa ông cho đến khi ông từ chức Viện trưởng ở Kumbum. Để thoát được, ông đã giả vờ đồng ý thực hiện một âm mưu là sẽ thuyết phục em trai mình chấp thuận sự cai trị của Trung Quốc, và nếu thuyết phục không thành công ông sẽ giết Ngài. Và Takster Rinpoche đã báo cho chính phủ Tây Tạng biết toàn bộ ý định và mục tiêu của Trung Quốc trước khi ông sang Ấn Độ và Mỹ cùng với một nhóm người của đức Đạt-lai Lạt-ma.

Tenzin Gyaltso lúc đầu đã rất do dự trong việc lên nắm quyền lãnh đạo đất nước bằng cách viện dẫn là Ngài còn nhỏ tuổi và chưa hoàn tất chương trình giáo dục về tôn giáo. Tuy nhiên, khi Ngài biết được đất nước đã bị chia cắt do trong thời kỳ viên quan nhiếp chính lãnh đạo đã làm cho tất cả đều trở nên tồi tệ. Ngài cảm thấy rằng sự thống nhất đất nước là điều thiết yếu nhất và Ngài chính là người duy nhất mà mọi người trong cả nước đều đồng lòng tuân theo. Vì vậy, vào ngày 17-11-1950, Ngài đã chấp thuận đứng lên lãnh đạo đất nước. Ngay sau đó, Ngài và cả bộ máy chính quyền đã bí mật dời đến thung lũng Chumbi gần biên giới Ấn Độ để bảo vệ Ngài khỏi rơi vào tay Trung Quốc. Một sự cố đã xảy ra ngay sau đó; đoàn người vừa khởi hành thì đã bị chận lại bởi hàng trăm Tăng chúng; họ khẩn khoản cầu xin Ngài đừng rời bỏ họ. Chỉ có chính vị Đạt-lai Lạt-ma trẻ tuổi này mới có thể dàn xếp được tình hình đó bằng cách hứa là Ngài sẽ quay về; thế nên đoàn người ấy được phép tiếp tục lên đường.

Trong khi đức Đạt-lai Lạt-ma và chính phủ của Ngài đang ở tại Yatung thuộc thung lũng Chumbi thì một đại biểu của Tây Tạng ở vùng Chamdo thuộc miền đông Tây Tạng do chính quyền Trung Quốc chỉ huy đã bị buộc phải ký vào bản thỏa thuận về 17 điều mục. Trung Quốc cũng giả mạo con dấu của văn phòng đức Đạt-lai Lạt-ma để phê chuẩn vào bản thỏa thuận này. Nội dung chủ yếu của bản thỏa thuận này tuyên bố rằng Tây Tạng là một phần của Trung Quốc và họ sẽ tẩy chay các thành phần của nước ngoài. Nó còn kêu gọi, lôi cuốn lực lượng Tây Tạng vào quân đội Trung Quốc và tước đoạt quyền của Tây Tạng trong các chính sách đối ngoại. Trung Quốc đã hứa là họ sẽ tôn trọng địa vị và chức năng của Đạt-lai Lạt-ma; tôn trọng về sự tín ngưỡng tôn giáo; không xen vào những vấn đề của giáo hội; không ép buộc mọi người phải chấp nhận những sự cải cách và họ sẽ cải thiện mức sống của người dân. Thế nhưng họ đã không tôn trọng và thực hiện những điều mình đã hứa.[1]

Năm 1951, đức Đạt-lai Lạt-ma trở về lại Lhasa, ngay sau đó Lhasa tràn ngập cả hàng mấy nghìn lính Trung Quốc. Đất đai bị tịch thu cho quân lính đóng trại; nguồn lương thực dự trữ nhanh chóng bị dốc cạn đến nỗi nạn đói kém xảy ra khắp nơi. Đã có nhiều sự phản kháng về việc người Tây Tạng phục tùng những yêu cầu của Trung Quốc về việc nhanh chóng hòa nhập quân đội Tây Tạng vào quân đội Giải phóng Dân tộc. Hai thủ tướng chính phủ từ chối việc hợp tác với Trung Quốc đã bị buộc phải từ chức. Ngay lập tức, đức Đạt-lai Lạt-ma cảm thấy Ngài là vật đệm duy nhất giữa dân tộc của Ngài và quân đội Trung Quốc vì để tránh sự kích động Trung Quốc theo đuổi con đường thỏa hiệp trên quy mô rộng lớn do sự nhận thức về tôn giáo bất bạo động của Ngài.

Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng thiết lập những điều luật hành chánh riêng của Ngài cho việc cải cách xã hội, chấm dứt một số thông lệ lâu đời chẳng hạn như việc dân chúng địa phương phải chuyên chở không công cho các quan chức chính phủ. Ngài cũng hủy bỏ các khoảng nợ về nông nghiệp và đưa ra các chính sách phân phối lại đất đai cho người dân. Trung Quốc thì nêu lên những chính sách cải cách cụ thể hơn như vấn đề trường học, bệnh viện, đường xá… và bước đầu đã được dân Tây Tạng tiếp nhận ngay. Trung Quốc hy vọng sẽ chiếm được sự mến mộ của quần chúng và sẽ được dân Tây Tạng ủng hộ. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng ngày càng có xu hướng đàn áp dân Tây Tạng hơn vì quần chúng đã phản ứng lại và tỏ ra phẫn nộ khi Trung Quốc xen vào những vấn đề về phong tục, tập quán, văn hoá, tôn giáo và các cơ sở từ thiện của họ.

Trong suốt giai đoạn này, đức Đạt-lai Lạt-ma đã hai lần gặp ngài Panchen Lama – người đã trở lại chùa Tashi Lhunpo để đảm nhận lại chức vụ của mình. Trung Quốc đã nỗ lực nâng cao vị trí của Panchen Lama nhằm hạ thấp vị trí của đức Đạt-lai Lạt-ma. Tuy nhiên, đức Đạt-lai Lạt-ma đã có mối quan hệ cá nhân rất tốt với ngài Panchen Lama, và Ngài cảm thấy rằng nếu để một mình ngài Panchen Lama lãnh đạo, ông ấy sẽ hỗ trợ cho Tây Tạng một cách tận tâm hơn. Bất chấp tất cả những gánh nặng đang đặt trên đôi vai trẻ của mình, đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn có thể tiếp tục sự nghiệp giáo dục về tâm linh của Ngài. Ling Rinpoche đã truyền lễ Quán đảnh Mật Tông Kalachakra cho Ngài và truyền giới Cụ túc cho Ngài vào năm 1954. Tenzin Gyatso luôn luôn ý thức về quan điểm tâm linh của mình và đã tiếp tục những khuôn phép cá nhân của Ngài trong sự thiền quán, nguyện cầu, thực hiện các kỳ nhập thất định kỳ và tổ chức các buổi thuyết pháp đều đặn.

Năm 1954, đức Đạt-lai Lạt-ma và ngài Panchen Rinpoche đã đến Bắc Kinh để gặp ông Mao Trạch Đông. Ngài cũng đã tiếp xúc với vị lãnh đạo của Nga: ông Khrushchev và Thủ tướng chính phủ Nehru của Ấn Độ, tuy nhiên, Ngài đã gặp trở ngại là không được thảo luận một cách tự do thoải mái với họ. Sau một thời gian dài cùng với hàng nghìn sự thỉnh cầu của nhân dân Tây Tạng, Ngài đã trở về Lhasa một cách hết sức chậm chạp vì những cuộc viếng thăm các phố xá và chùa chiền trên suốt lộ trình. Kết quả cuối cùng của chuyến đi này là việc thành lập một ủy ban mở đầu cho khu tự trị của Tây Tạng do đức Đạt-lai Lạt-ma đứng đầu và ngài Panchen Lama làm phó chủ tịch. Thật ra uỷ ban này cũnh đã bị Trung Quốc khống chế và xúc tiến việc hạ thấp hiệu lực chính trị của đức Đạt-lai Lạt-ma.

Khi Trung Quốc làm xong những con đường đến Lhasa, họ bắt đầu một chính sách đàn áp rất dã man ở miền đông Tây Tạng nhằm tiếp quản toàn bộ lãnh thổ và áp đặt những chế độ chính sách của họ. Thuế tăng cao, đất đai bị tịch thu, tôn giáo bị cấm cản. Mọi sự kháng cự đều bị xử phạt một cách tàn bạo, kể cả việc phá huỷ hàng loạt chùa chiền và huỷ hoại hàng loạt thôn xóm làng mạc, và bị đưa ra hành quyết trước công chúng. Những người ở vùng Kham và Amdo có tư tưởng độc lập đã tổ chức một phong trào du kích và sự kiện này đã khiến cho Trung Quốc càng đàn áp dã man hơn. Trẻ em và thậm chí những đứa bé còn rất ấu thơ đã bị bắt phải rời xa cha mẹ để đưa đi đào tạo theo chương trình của Trung Quốc. Trẻ em bị buộc phải giết cha mẹ chúng. Dân Tây Tạng bị buộc phải làm nhục và thậm chí phải giết Tăng Ni. Họ cũng bị buộc phải triệt sản. Tất cả những điều này là những sự vi phạm trắng trợn sự thỏa hiệp của Trung Quốc đối với Tây Tạng. Trung Quốc cũng bắt đầu đưa cả hàng nghìn người Hán sang định cư. Những hành động này kết hợp với sự tàn bạo của Trung Quốc đã dồn các nhà hoạt động xã hội và những người tị nạn vào trung tâm Tây Tạng và Lhasa. Trước đó rất lâu họ đã từng đàn áp những sự kháng cự nổi dậy ở trong và xung quanh Lhasa bất chấp sự kêu gọi bất bạo động của đức Đạt-lai Lạt-ma. Thấy rõ được sự vô hiệu quả của chính mình, đức Đạt-lai Lạt-ma đã dự định từ chức cương vị lãnh đạo chính quyền thế tục của mình.

Năm 1956, nhân dịp lễ kỷ niệm Phật lịch 2500, Ấn Độ đã thỉnh cầu đức Đạt-lai Lạt-ma tham dự sự kiện trọng đại này được tổ chức tại Ấn Độ. Những phản đối ban đầu của Trung Quốc đã bị bác bỏ nhờ sự can thiệp của Thủ tướng Nehru của Ấn Độ. Đức Đạt-lai Lạt-ma sang Ấn và trở nên thành phần tham dự quan trọng nhất trong các buổi lễ. Ngài cũng đã dành những buổi thuyết pháp cho dân chúng trong thời gian lưu lại tại đây và đã đi chiêm bái các Thánh địa của Phật giáo. Tại Ấn, Ngài cũng đã thăm dò ý kiến của thủ tướng Nehru về vấn đề tị nạn chính trị nhưng vị Thủ tướng Ấn này đã đề nghị mạnh mẽ là đức Đạt-lai Lạt-ma nên trở về nước và làm việc một cách ôn hòa với Trung Quốc. Thủ tướng Nehru đã thảo luận về vấn đề này với thủ tướng chính phủ Chu Ân Lai của Trung Quốc, kết quả là Bắc Kinh đã loan báo rằng Tây Tạng chưa sẵn sàng cho việc cải cách cho nên những nỗ lực của Trung Quốc trong phương hướng này sẽ có ý nghĩa đặc biệt để giúp Tây Tạng thực hiện điều đó. Đồng tình với những đường hướng phát triển này nên đức Đạt-lai Lạt-ma đã trở về Tây Tạng vào năm 1957.

Trái ngược với những điều mình đã hứa, Trung Quốc liên tục đàn áp khu vực miền đông Tây Tạng cũng như họ đã từng làm đối với phong trào du kích khởi nghĩa của nhân dân Tây Tạng. Dưới sự lãnh đạo của Gompo Tashi Andrugtsang, một tổ chức của phong trào kháng chiến đã nhanh chóng phát triển ở trung tâm Tây Tạng.

Sự giúp đỡ bí mật đã được sắp đặt tại Ấn Độ do Gyalo Thondup, anh trai của đức Đạt-lai Lạt-ma đến từ Đài Loan và của cơ quan tình báo Trung ương Hoa kỳ (CIA), trước đó một thời gian đã có hơn 80.000 chiến sĩ người xứ Kham ở trung tâm Tây Tạng. Trung Quốc đã đưa vào 150.000 người để đánh trả lại lực lượng của Tây Tạng. Tất cả những yêu cầu ngừng chiến của Trung Quốc đối với chính phủ Tây Tạng và các Tu viện trưởng đều bị phản đối. Đức Đạt-lai Lạt-ma tiếp tục kêu gọi và thuyết phục về chính sách bất bạo động nhưng mọi người đều biết rằng sự hạnh phúc của họ chỉ hiện hữu trong tâm trí của Ngài mà thôi.

Khi tình trạng căng thẳng tột bực, vì lo lắng cho sự an nguy của đức Đạt-lai Lạt-ma nên quốc hội Tây Tạng phải đặt chính mình vào giữa đức Đạt-lai Lạt-ma và Trung Quốc bằng cách tuyên bố rằng tất cả những gì có liên quan đến đức Đạt-lai Lạt-ma đều phải được thông qua họ. Lời mời đức Đạt-lai Lạt-ma viếng thăm Bắc Kinh vào năm 1959 của Trung Quốc được xem như một sự nỗ lực để nắm được quyền kiểm soát con người của Tenzin Gyatso. Lời mời ấy đã bị từ chối với cái cớ là đức Đạt-lai Lạt-ma đang bận cho kỳ thi Geshe Lharampa sắp đến.[2] Khoảng giữa giai đoạn này là Lễ Hội Đại Cầu Nguyện và đức Đạt-lai Lạt-ma bị yêu cầu phải tham dự buổi xem sân khấu được trình diễn tại sở chỉ huy Trung Quốc với điều kiện là Ngài chỉ đến đó một mình với vài vệ sĩ không mang vũ khí. Điều này đối với người Tây Tạng như có vẻ Trung Quốc muốn cố tình bắt cóc đức Đạt-lai Lạt-ma của họ.

Đức Đạt-lai Lạt-ma đã hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp của mình một cách hết sức thành công trong vòng mấy ngày. Trong thời gian đó Ngài đã phản đối những kế hoạch đã được sắp xếp cho Ngài trốn thoát. Ngài không muốn từ bỏ hy vọng của một giải pháp hòa bình nhưng cũng không muốn rời xa dân tộc Ngài. Có khoảng 30.000 người biết được tin về lời mời của Trung Quốc nên đã vây quanh cung điện Norbulingka để bảo vệ đức Đạt-lai Lạt-ma khỏi bị Trung Quốc bắt đi. Cho đến khi Trung Quốc bắn hai phát súng cối vào cung điện vào ngày 17-03-1959 đức Đạt-lai Lạt-ma mới chịu trốn thoát.

Đạt-lai Lạt-ma và nhóm người của Ngài lẻn ra khỏi cung điện bằng cách cải trang. Họ đã thực hiện một cuộc trốn thoát vô cùng cam go đến Ấn Độ – nơi mà sự tị nạn chính trị của họ đã được chấp nhận ngay lập tức. Trong vòng vài tháng kế đó, nối tiếp theo Ngài là hàng trăm nghìn người tị nạn đã trốn khỏi chế độ Trung Quốc. Khi Trung Quốc hay tin đức Đạt-lai Lạt-ma đã trốn thoát, họ đã nã đạn vào cung điện và tàn sát hàng nghìn công dân nổi dậy của Lhasa. Trung Quốc nhanh chóng siết chặt cả nước bằng cách diệt trừ tận gốc những nhóm du kích kháng cự và thủ tiêu cả bộ máy chính quyền Tây Tạng. Họ lập tức bắt tay vào việc hủy diệt các cơ sở từ thiện; giết hại hàng nghìn Tăng chúng; phá hủy các chùa chiền và đập phá các tôn tượng. Đất đai của tấng lớp quí tộc bị tịch thu, các hợp tác xã nông nghiệp được thành lập. Dân chúng bị buộc đi làm đường và bị áp đặt vào những nhiệm vụ khác. Nhiều nghìn người bị tống giam. Trung Quốc tuyên truyền với thế giới rằng họ đến để làm việc nhưng thật ra họ đang che giấu việc họ cưỡng đoạt Tây Tạng đến nỗi đất nước này phải rơi vào tình trạng hết sức tuyệt vọng.[3]

Đức Đạt-lai Lạt-ma và đoàn tuỳ tùng của Ngài đã đến Mussoorie – một vùng đồi của dãy Hy Mã Lạp Sơn nằm ở phía tây nam New Delhi. Họ đã lưu lại đó khoảng 1 năm trước khi dời đến định cư chính thức ở Dharamsala. Ngay từ đầu đức Đạt-lai Lạt-ma đã phác thảo rất rõ ràng bản nghị quyết để thế giới gây sức ép đối với tội phạm tàn sát của Trung Quốc đối với Tây Tạng, vạch trần những thái độ hung tợn của Trung Quốc. Ngài cũng tuyên bố rằng Chính phủ lâm thời của Tây Tạng lưu vong cũng đã được thiết lập và phát biểu rằng: “Bất cứ tôi ở đâu cũng đều được chính phủ của tôi hộ tống, và dân tộc Tây Tạng sẽ luôn thừa nhận chúng tôi như là chính phủ của Tây Tạng”. Chính quyền Ấn Độ vẫn còn kết hợp chính sách của “lập trường không liên minh” để duy trì trạng thái hòa bình với Trung Quốc nên họ không thừa nhận chính quyền Tây Tạng lưu vong, tuy nhiên, họ vẫn hỗ trợ hết mình về cả vật chất lẫn tinh thần. Trong năm đầu tiên của cuộc sống lưu vong, đức Đạt-lai Lạt-ma đã biên soạn một nghị quyết lên án những hành động bất lương vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng để thông qua Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, điều mà Ngài quan tâm hơn đó là hàng nghìn người tị nạn đã chống đối hết sức mạnh mẽ và vẫn còn sống sót trong cuộc hành trình đến Ấn Độ. Và dĩ nhiên là Ngài cũng nhận ra rằng mình vẫn luôn là trung tâm của cuộc đấu tranh cho sự tồn tại của văn hóa Tây Tạng.

Trụ sở của đức Đạt-lai Lạt-ma trở thành kết quả của sức mạnh lịch sử văn hoá. Tây Tạng với đa số dân tộc của mình đã thừa nhận giá trị của Phật giáo và trở thành mảnh đất thấm nhuần các tố chất tâm linh. Bồ-tát Quán Thế Âm được xem là vị Thần bảo hộ và là tổ tiên của dân tộc Tây Tạng. Theo thần thoại sáng tạo của Tây Tạng thì vị Bồ-tát này được nhận biết qua dòng truyền thừa của Gedun Truppa – vị Đạt-lai Lạt-ma đầu tiên. Vì vậy, Đạt-lai Lạt-ma, thông qua dòng truyền thừa tâm linh, được xem như người Cha và là vị thần bảo hộ có năng lực nhất của Tây Tạng. Mỗi một vị Đạt-lai Lạt-ma đều được dân chúng Tây Tạng tôn kính không những chỉ vì Ngài là vị thần bảo hộ thiêng liêng của họ mà còn là vì mỗi việc làm của Ngài đều mang sự lợi lạc đến cho họ.

Người Tây Tạng tin rằng tất cả các vị Đạt-lai Lạt-ma đã được lựa chọn dựa vào các tính chất đặc biệt của họ và cần phải đúng vào thời điểm đặc biệt thích hợp. Vị Đạt-lai Lạt-ma đầu tiên – Gedun Truppa – đã truyền bá giáo lý của ngài Tsongkhapa và củng cố vị trí của truyền thống Gelugpa. Vị tái sinh thứ II – Gedun Gyatso – đã đẩy mạnh sự phát triển này lan khắp trung tâm Tây Tạng. Đạt-lai Lạt-ma thứ III – Sonam Gyatso – đã mang niềm tin sang Mông Cổ và những vùng xa xôi của miền đông Tây Tạng. Vị thứ VI – Yonten Gyatso –  chuyển hoá được Mông Cổ thành nhóm người kiên định có cùng chung mục đích và quyền lợi. Bậc Vĩ nhân thứ V – Ngawang Lobsang Gyatso –  thống nhất Tây Tạng và thiết lập thể chế quyền lực thế tục của Đạt-lai Lạt-ma. Vị thứ VI – Tsangyang Gyatso – thử thách sự chân thành về Niềm Tin của dân Tây Tạng và đã trở thành một trong những người được dân tộc của ngài yêu quí nhất. Vị thứ VII – Kelsang Gyatso – trở nên vô cùng nổi tiếng do sự chứng ngộ tâm linh cao tột của mình. Vị thứ VIII – Jampal Gyatso – được nổi tiếng nhờ cuộc sống tâm linh của ngài và đã xây dựng công trình cung điện Norbuling ka. Bốn vị Đạt-lai Lạt-ma kế tiếp: Lungtok Gyatso, Tsultrim Gyatso, Khedrup Gyatso và Trinley Gyatso đều qua đời quá sớm trước khi hoàn thành lời hứa của mình. Bậc Vĩ Nhân thứ XIII – Thubtan Gyatso – khôi phục lại nền độc lập của Tây Tạng, có công lớn trong việc nâng cuộc sống Tây Tạng lên đến mức độ cao nhất và trở thành người vô địch về phẩm chất đức hạnh của đệ tử Phật. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV – Tenzin Gyatso – vẫn còn đang đối đầu với những thử thách lớn lao nhất khi Ngài mang những phẩm chất tâm linh đặc biệt của mình vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn di sản tâm linh và nền văn hoá Tây Tạng trong giờ phút ảm đạm nhất của nó.

Ghi Chú:

[1] Theo: “My land and my people” (Đất nước tôi, dân tộc tôi), tr. 87-89 của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV)

[2] (Đó là cấp bậc cao nhất của hệ thống giáo dục tôn giáo Tây Tạng, tương đương với bằng Tiến sĩ trong ngành nghiên cứu tôn giáo)

[3] Theo “Tibet and Its History” tr. 209-214 của Richardson và “Tibet: A Political History” của Shakabpa tr.318-310 đã đề cập rằng sau khi đức Đạt Lai Lạt Ma trốn thoát được 2 ngày thì Norbulingka bị đánh bom và tiếp theo đó sự tàn sát và 12.000 người đã bị giết. Trung Quốc chỉ phát hiện ra việc đức Đạt-lai Lạt-ma trốn thoát vào ngày thứ 3 sau đó.

Theo : “In Exile” tr. 71-72 của Avedon thì “tất cả hàng loạt những nỗ lực của Trung Quốc là diệt tận gốc về lĩnh vực văn hoá và xã hội của Tây Tạng”