“Hỏi: tại sao trong lúc làm lễ quy y Tam Bảo có nói là: Quy Y Phật đời đời kiếp kiếp không đọa và địa ngục, Quy Y Pháp đời đời kiếp kiếp không đọa vào ngạ quỹ, Quy Y Tăng đời đời kiếp kiếp không đọa vào bàng sanh, mà trong nghi thỉnh cô hồn có cả tăng ni tỳ kheo v.v.? lại cũng nghe thầy nói là nếu sống không khéo thì có thể bị đọa tam đồ? Xin thầy giải rõ ra lý do!“]
Đáp: đúng là trong nghi thức quy y có nói những điều quý vị vừa nêu, tuy nhiên quy y không phải là một nghi thức để trở thành tín đồ của một tôn giáo, mà pháp quy y là một phương pháp tu tập, do có quy y (nương vào) Tam Bảo mà thoát khỏi đọa lạc. Lý do:
* Phật là năng lực giải thoát, sự kết hợp giữa sự thanh tịnh và trí tuệ buông bỏ mọi pháp thế gian, phát triển trí tuệ Bát Nhã hướng vào cảnh giới tâm thức an lạc cho nên một hành giả khi nương vào năng lực này sẽ không bao giờ còn bị đọa lạc nữa.
* Pháp là năng lực trí tuệ, nhờ vào năng lực này hành giả có thể phân biệt chánh tà, thiện và ác v.v. Mà theo nghĩa của phật giáo (Phật Thừa chứ không phải là thiên thừa và nhân thừa) thì Thiện là giải thoát và Ác là tham luyến Ta Bà, cho nên hành giả nương vào trí tuệ sẽ không còn bị đọa lạc nữa.
* Tăng là năng lực thanh tịnh và hòa hợp, lìa bỏ mọi thứ ái chấp, ái ngã sống hoàn toàn thuận theo sự xả ly và hòa hợp với tất cả chúng sanh, vì tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đã từng là quyến thuộc của hành giả cho nên một khi sống thuận theo lẽ đó sẽ không bị sự trói buộc của tam giới, không còn bị che mờ của luyến ái, cho nên một khi nương vào năng lực thanh tịnh và hòa hợp này thì không còn đọa lạc nữa. Nhiều người hiểu lầm, khi nhận lễ quy y và phát nguyện giữ năm giới là đủ! Nhưng phải hiểu cho đúng, buổi lễ này chỉ là sự đánh dấu của một bước đầu tiên trên con đường tu tập pháp quy y và giữ giới. Trong đời sống hằng ngày, người phật tử đúng nghĩa sẽ phải thường nhớ nghĩ đến Phật, Pháp và Tăng để tập sống tối thiểu là đúng với tinh thần năm giới và nếu tinh tấn hơn nữa thì bắt đầu tập suy lường theo pháp, coi điều nào hợp với lời dạy của Phật, điều nào không thích hợp để có thể dần dần khắc phục và thay đổi.
Trong vấn đề quy y quý vị cũng cần hiểu rõ là khi mình quy y tức là mình quy y với Tam Bảo, chứ không phải quy y với vị thầy hay cô làm lễ cho mình. Vị thầy chỉ đại diện Tam Bảo chứng minh cho sự quy y của mình mà thôi. Vì vậy có vài người ngạc nhiên khi đến gặp tôi và nói con đã quy y với thầy và tôi đáp: “quý vị quy y với Tam Bảo chứ không phải quy y với thầy”! Đó là điều mà nhiều người cứ lầm lẫn và cũng vì vậy mà mất đi lợi lạc chân chánh, vì Tăng Bảo là hiền thánh chúng tức là những vị đã chứng quả từ Tu Đà Hoàn trở lên, chứ tôi chỉ là một phàm tăng thì đâu phải là đối tượng quy y cho quý vị. Tuy nhiên, những vị cư sĩ phật tử nào có niềm tin với vị tu sĩ nào đó, thì có thể đến với vị đó để xin làm đệ tử và vâng theo lời hướng dẫn của vị đó mà tu tập. Nhưng điều này chỉ có ý nghĩa khi vị cư sĩ đó thật sự muốn tu tập mà thôi.
Còn trong nghi thỉnh cô hồn, sở dĩ quý vị nghe thấy có thỉnh cả các cô hồn từng là tăng ni v.v. là bởi vì ngay cả người xuất gia nếu không sống đúng pháp, không hành theo lời dạy của đức Phật, mà còn bị các sự trói buộc của pháp thế gian làm vướng bận, thì sau khi chết vẫn có nguy cơ bị đọa vào các loại cô hồn. Xuất gia mà còn như thế thì huống chi người cư sĩ hằng ngày luôn tiếp cận với các loại ác nghiệp, do đó chúng ta cần phải nổ lực để không phải bị đọa vào ba đường khổ. Mong lắm thay.