Vô Thức Tỳ Kheo – Thích Hạnh Tấn.
Trong thời gian qua, đọc được nhiều bài thơ viết về sự tiếc nuối cái chết của Hòa Thượng Thích Minh Tâm, lòng tôi cũng rất bùi ngùi. Nếu nói rằng, sự qua đời của Hòa Thượng chẳng để lại chút xúc động nào trong tôi là nói dối, nhưng nếu cho rằng tôi rất đau buồn lại cũng là một sự dối trá khác mà thôi! Nhưng điều chắc chắn đã xảy ra đó là sự trỗi dậy một cách đột ngột và mạnh mẽ của những kỷ niệm mà chúng tôi đã có với Hòa Thượng.
Khi viết những dòng chữ này cái giới hàm Hòa Thượng cho tôi một ấn tượng vô cùng xa lạ, vì bình thường tôi cũng gọi Thầy là Sư Ông như bao nhiêu người khác. Cái cảm giác xa lạ này cũng đã ập xuống tinh thần của tôi khi nhận được điện thư mang hình của Sư Ông gửi đến các chùa để tôn thờ, trong bức hình này tôi đã không tìm thấy được hình ảnh của Thầy mà tôi hằng nhớ tưởng, có lẽ vì tôi quá chấp nhất rồi. Lần đầu tiên tôi đã gặp Sư Ông vào năm 1987 trong khóa tu học tại Thụy Sĩ, hình ảnh một nhà tu giản dị mang lý tưởng giáo dục đi vào thế gian để giúp mọi người tiếp cận với Phật Giáo qua sự hiểu biết giáo lý, vì vậy khi nghe tin được nhận giới Sa Di, tôi đã nhờ Sư Cô Cô Như Viên đóng cho một chiếc y mang màu cam da bò giống như màu bộ y mà Sư Ông thường mặc. Một bộ y không lộng lẫy, không nổi bật, không đặc biệt, nhưng trên người của Sư Ông nó lại tỏa ra cái bản chất xuất trần của một tu sĩ hướng đến đời sống giải thoát. Cũng từ đó, trong tôi đã nhen nhúm cái lý tưởng dùng giáo dục để phát huy sự tu tập. Với ý niệm đó, tôi bắt đầu đam mê hơn với giáo lý của đức Phật.
Có một hôm vào bữa ăn trưa tại chùa Khánh Anh mọi người ít nhiều khó chịu vì nồi cơm nấu không đủ chín, Sư Ông đã bình thản ăn tự nhiên sau đó đã nói đơn giản: „khi vào bụng rồi, thì nó cũng sẽ chín thôi mà!“. Khi đó, tôi thầy điều này thật lý thú, nhưng cũng không có gì to tát lắm. Mãi đến sau này, khi tôi biết là dạ dày Sư Ông vốn dĩ không nguyên vẹn vì đã bị cắt mất một phần từ lâu, thì giá trị của câu nói đó mới thật sự là thâm thúy như thế nào! Trong khi những người với cái bao tử khỏe mạnh rất quan tâm đến độ chín của cơm, thì Sư Ông lại rất thản nhiên. Sau đó, lúc tôi đang ở Ấn Độ tu học thì được nhân duyên hướng dẫn Sư Ông và phái đoàn hành hương, tôi lại có dịp mục kích sự nhẫn nhịn của Sư Ông trong hơn hai tuần. Sư Ông đã chấp nhận những điều kiện sinh hoạt đơn giản của quê hương tâm linh này, đối với Sư Ông những chén trà bằng đất sét đậm mùi bùn là những hưởng thụ vì đó là sản phẩm của nơi đức Phật đã hành pháp. Những món ăn béo ngậy sữa và cay nồng gia vị vẫn không làm Sư Ông khó chịu. Những đoạn đường dòng sóc, những đoạn xe kẹt dài và hàng giờ đợi xe được sửa chửa khi bị banh vẫn không làm tắt đi nụ cười mỉm trên đôi môi của Sư Ông. Chẳng những vậy, Sư Ông lại nói đùa làm phấn chấn tinh thần của những người trong phái đoàn. Sau chuyến đi này chú cư sĩ Minh Định đã phát tâm xuất gia và giờ đã thọ giới tỳ kheo với pháp tự Hạnh Định rồi!
Trong một khóa tu học Phật Pháp Âu Châu, bảy Sa Di (được tôi thầm gọi là Âu Châu Thất Quái) đã đồng ý không làm bài thi về Nghi Lễ, vì cho rằng đó là ứng phó đạo tràng! Trong khi chư tăng ít nhiều tức giận thì Sư Ông đã gọi chúng tôi lại để tâm sự: „..mấy chú biết không, vào những năm chiến loạn, con người không an ổn mà tu học được, chỉ có tiếng chuông, tiếng mõ, mới giữ cho Phật Pháp được lưu truyền trong nhân gian. Trong lúc hữu sự, người ta dễ tiếp nhận đức Phật nhất. Hãy xem nó như là một phương tiện để hành đạo đi. Miễn đừng lấy nó làm cứu cánh là được rồi!…“ Những lời nói của Sư Ông như tiếng chuông cảnh tỉnh, sau đó tôi đã xin thầy tôi sang Na Uy một tháng để học nghi lễ với Hòa Thượng Trí Minh (vì theo thiển ý của tôi, thì nghi lễ Bình Định không quá bi thương như nghi lễ Huế và không quá sôi động như nghi lễ miền nam). Rất tiếc là tôi lại không có khiếu âm nhạc mà „dây giọng“ lại quá tệ nên khiến Sư phụ nghi lễ của tôi cũng phải đầu hàng! Đến ngày nay thì tôi biết chắc là mình khó có thể dùng phương tiện này để đem đạo vào đời. Nhưng nhờ những dạy bảo của Sư Ông nên tôi vẫn thấy Nghi lễ là một cách hữu hiệu để gieo mầm Phật Pháp vào tâm thức những người phật tử.
Có một dịp Sư Ông đã viếng thăm chùa Viên Giác và tôi đại diện tăng chúng tác bạch chào đón Sư Ông, tôi đã dùng đại danh từ „Thầy“ để gọi Sư Ông thì bị thầy của tôi quở trách và dạy phải kêu bằng „Hòa Thượng“! Sau đó Sư Ông đã ân cần khuyên nhủ „.. Thầy cũng thích con gọi là thầy hơn, như vậy nó thân tình và đơn giản, còn nghe gọi là Hòa Thượng thấy giống như người lạ quá!…“ Sư Ông vừa nói vừa cười, tôi cũng nhận ra rằng những thứ mà thế gian áp đặt lên đời sống một người tăng sĩ dường như còn nặng nề hơn những gì mà trong thiền môn gọi là „Linh Sơn Cốt Nhục“. Từ đó, tôi cũng cố gắng khiến điều này không xuất hiện trong đời sống của chính mình.
Rất nhiều, rất nhiều kỷ niệm như vậy xuất hiện trong ý niệm của tôi khi hay tin Sư Ông lìa đời. Tuy nhiên, tôi cũng biết chắc rằng Sư Ông sẽ sớm quay lại cuộc đời này để tiếp tục sứ mạng độ sanh của mình. Chỉ hai mươi năm nữa thôi, một ánh sáng trí tuệ sẽ lại bùng lên mạnh mẽ soi sáng chúng sanh trên con đường giải thoát.