Chúng thường trú của tu viện gồm có chư tăng và ni sống theo những truyền thống Phật Giáo khác nhau. Thầy trụ trì là người thành lập và hướng dẫn tinh thần ở tu viện là Tỳ Kheo Thích Hạnh Tấn, thầy và những vị đệ tử của mình xuất thân từ dòng truyền thừa Tứ Phần Luật, ngày nay còn thịnh hành ở Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam. Sự tiếp nối từ nhiều đời đã sản sanh ra vô số đại hành giả làm chỗ nương tựa cho sự các hành giả hướng đến giác ngộ giải thoát. Ngoài ra còn có những tăng ni thuộc đại thừa Phật Giáo Tây Tạng cũng sống nơi đây, hy vọng trong tương lai cũng sẽ có những vị thuộc dòng Nam truyền về thường trú tu tập tại tu viện.
Giới luật thiền môn được đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền dạy là một nền tảng vững chắc để thực hiện một đời sống hài hòa trong tăng đoàn, mà cũng là điều kiện căn bản để hành giả có thể tu tập hoán chuyển tâm thức hướng đến giác ngộ và giải thoát; và trở thành đối tượng xứng đáng để những vị cư sĩ phát tín tâm và cúng dường cho những vị tu sĩ sống theo tinh thần chân (thành thật) thiện (giải thoát) mỹ (thanh tịnh) là phước điền đúng đắn.
Ở các xứ phương Tây này, đời sống người xuất gia không đơn giản như ở Á Châu. Nhiều nước châu Á đã có một nền văn hóa thấm nhuần tinh thần phật giáo lâu đời, người dân ở đó biết rõ giá trị của tăng đoàn nên hỗ trợ trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Đối lại người tu sĩ cũng kính trọng người tại gia và gọi họ là “Bồ Tát” hay “Cư Sĩ Phật Tử”, bởi họ biết rằng bản thân mình cũng từ những vị cư sĩ mà thành và hiện đang sống nhờ vào sự bảo hộ của họ để an tâm tu tập giải thoát. Ở phương Tây này sự tương kính như thế hoàn toàn không hiện hữu, bởi tập quán và văn hóa khác biệt hơn ở Á Châu. Vì vậy sự việc thành lập tu viện và chư tăng an nhiên sống tu tập ở yên trong đó là một sự thách thức.
Cuộc sống và sự tu tập ở tu viện được phong cảnh hữu tình của núi đồi Luyện Kim Sơn tô điểm và quân bình. Tâm tư của mỗi một vị tu sĩ tại tu viện tự do để nhìn ngắm nét đẹp thiên nhiên này, bởi đời sống của tăng chúng ở đây rất là bình dị với sở hữu tối thiểu theo nhu câu sống mà thôi, nên không sợ bị cảnh sắc tuyệt vời lôi cuốn.
Cuối cùng thì tăng chúng ở tu viện được những vị cư sĩ đến tu viện để tu tập “tiếp tế”. Những vị này đến tu viện ở ngắn thì ba ngày, dài thì một tháng để hòa mình vào nhịp sống và thời khóa hành trì của tu viện. Sau một thời gian tu tập nghiêm mất ở đây, quý vị trở về lại đời sống tại gia và phát hiện những khía cạnh trong cuộc sống mà trước đây không ngờ là nó hiện hữu, những góc cạnh của đời hệ lụy được vuốt láng, để cho tâm an bình và hỷ lạc không còn là những khái niệm xa lạ nữa.