Sau ba tháng chuyện gì đã xảy ra tại tu viện, hẳn là một câu hỏi mà nhiều vị quan tâm đến đời sống của chư tăng tại tu viện đã đặt ra!
Chính những vị vẫn thường lui tới tu viện trong thời gian qua cũng đã theo dõi với một tâm trạng đầy nghi vấn và băng khoăn.Nếu phải trình bày chi tiết thì phải nói là mỗi ngày đều có những sự kiện để kể ra đây, nhưng nếu nhìn tổng quát thì mỗi ngày đều là sự lập lại của những ngày đi trước nó và sẽ là cái khuôn cho những ngày kế tiếp hình thành.
Tu viện đã dần đi vào nề nếp, mỗi sáng cứ vào lúc 4 giờ là tất cả mọi người đều có mặt hoặc tại Niệm Phật Đường, hoặc tại Tu Mật Đường để thực hiện sự tu tập của mình cho đến 6 giờ sáng, sau đó vị trị nhật (lo vấn đề ẩm thực cho chúng) sẽ chuẩn bị buổi ăn sáng đơn giản gồm cháo và bánh mì để mọi người có thể dùng sáng lúc 6 giờ 30.
Hầu như là lúc 7 giờ phần ăn sáng kết thúc để bắt tay vào việc cầm chỗi quét lá ngoài sân, đây là một công việc vừa làm sạch sẽ tu viện, vừa là thể dục buổi sáng để hít thở không khí trong lành của thiên nhiên mà cũng là sự quán niệm để sám hối các nghiệp mà mỗi người đã tự tạo trong đời này và nhiều đời trước.
Lúc 8 giờ quý chú lại có mặt tại Niệm Phật Đường để trì tụng kinh Vô Lượng Thọ, một phẩm trong kinh Đại Bảo Tích đã được Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch sang Việt, cho đến 10 giờ thì một chú có trách nhiệm hương đăng trong tuần tiếp tục phần cúng ngọ; vị trị nhật lại chuẩn bị đồ ăn trưa cho chúng, thông thường là một món đồ kho, một món xào hay xà lách và một món canh. Trong khi quý chú tu tập thời sáng này bản thân tôi thì lo vấn đề liên lạc để hoàn tất những nhu cầu tu chỉnh tu viện để chuẩn bị cho mùa đông đầu tiên của mọi người ở đây, Frank và Xiaoqing thì lo sơn phết và làm vệ sinh ở tầng lầu trên bên dãy nhà ni để chuẩn bị cho khóa Phowa sắp tới.
Đúng 11 giờ 30 mọi người lại tề tựu ở nhà ăn để lấy thức ăn và bắt đầu nghi thức cúng trai, thông thường thì chúng tôi dùng một giờ đồng hồ cho bữa ăn này. Giờ học của chúng bắt đầu lúc 1 giờ, ngày thứ hai và thứ tư thì học bằng Việt ngữ, ngày thứ ba và thức năm thì học bằng Đức ngữ: tháng đầu tiên thì mọi người học về Tỳ Ni để có thể nương vào phương tiện này mà nhiếp tâm cũng như phát tâm nghĩ đến chúng sanh một cách tích cực hơn.
Sau đó Tứ Thập Nhị Chương Kinh được mang ra để nghiên cứu, học tập. Sở dĩ bản kinh này được chọn là vì sự cô đọng và bao quát của nó, trong đó sinh hoạt, chí nguyện và hướng đi của một người tu sĩ được hai ngài Ma Đằng Ca Diếp và Trúc Pháp Lan đã rút tỉa từ kinh thuật lại một cách vô cùng ích lợi cho một hành giả, ngoài ra những căn bản huấn luyện tâm thức của một hành giả tại giả cũng như xuất gia đều được trình bày mạch lạc khúc chiết trong đó. Sau giờ học là thời tu tập buổi chiều từ 15 giờ đến 17 giờ và vị hương đăng lại tiếp tục phần thí thực cô hồn sau 17 giờ.
Thời khóa này những chú nghiêng về Tịnh Độ trì tụng kinh A Di Đà, rồi niệm hồng danh đức ngài cho đến khoảng 16 giờ 30 thì bắt đầu phần lễ lạy sám hối hồng danh chư Phật cho đến 17 giờ. Sau thời tu tập chiều mọi người có hai tiếng rưỡi để giải quyết những công việc cá nhân như giặt giũ, tắm rửa v.v.
Những vị có nhu cầu dùng tối thì ăn vào lúc 18 giờ, đó là những thức ăn còn dư lại bữa trưa được hâm lại. Nhưng vào khoảng giữa tháng thứ hai thì số người ăn chiều rụng dần cho đến cuối tháng thì không còn ai ăn tối nữa cả, thỉnh thoảng do lao động nhiều thì có vài vị ăn vài miếng bánh ngọt hay bánh mì khổ uống một ly trà là đủ. 19 giờ 30 đến 21 giờ 30 một vài vị tập trung ở tu mật đường, vài vị thì ở Niệm Phật Đường, còn lại thì ở Thiền Đường, bắt đầu bằng một thời tĩnh tọa sau đó thì hoặc là trì tụng thần chú Đại Bi hay một số nghi quỹ mà các vị đã thọ nhận để tu tập. 22 giờ là giờ yên tịnh của tu viện. Sau một ngày dài, mọi người thật sự cảm thấy thoải mái và nhẹ nhỏm khi được đặt lưng lên giường để an nghĩ hầu chuẩn bị cho một ngày tu tập mới.
Những sự kiện đặc biệt nào đã xảy ra trong tu viện? Trong suốt ba tháng vừa qua có hai sự kiện đáng nhắc đến:
1. Sự hình thành của một chúng cư sĩ hộ trì tu viện: trong một phiên họp mở rộng có sự tham gia của ba vị đến từ Berlin, bốn vị đến từ Tiệp và năm vị từ Dresden đã đưa đến quyết định thành lập một chúng cư sĩ “Quán Thế Âm” để hộ trì tu viện, vì là tu viện Vô Lượng Thọ, nên dùng danh hiệu của đức Quán Thế Âm để đặt tên cho chúng là rất hợp lý, vì vị Bồ Tát này với ngàn mắt, ngàn tay luôn hộ trì đức Phật Vô Lượng Thọ.
Hiện tại chúng Quán Thế Âm chưa có chúng trưởng, chỉ có những vị đại diện vùng như: anh Thiện Sơn đại diện cho vùng Berlin, chị An Thiện đại diện cho vùng Dresden, chị An Vi đại diện cho Tiệp. Hy vọng một ngày nào đó số lượng chúng Quán Thế Âm sẽ lên đến tối thiểu 500 vị, tức là cho đủ số mắt và tay của Bồ Tát. Nhiệm vụ của chúng đầu tiên là sẽ nhận từ tu viện tài liệu phật học phổ thông để tự học hàm thụ sau đó mỗi năm có những kỳ đặc biệt cho chúng về tu học và khảo hạch về kiến thức đã thu thập trong thời gian qua. Ngoài ra, chúng Quán Thế Âm sẽ hỗ trợ tu viện trong các công tác ngoại biên, để chúng thường trụ của tu viện có thể an tâm mà toàn tâm toàn ý với sự tu học của mình.
2. Khóa tu Phowa, chuyển di thần thức, do ngài Lhoga Rinpoche hướng dẫn: khóa tu này mặc dầu có làm ảnh hưởng thời khóa tu tập của tu viện chút ít, nhưng tóm lại đem lại nhiều lợi lạc hơn là sự thiệt hại; những vị tham gia khóa tu Việt Nam đều cố gắng giữ nội quy của tu viện một cách tốt đẹp, những vị người Đức còn phải thích nghi nhiều hơn và những vị người Hoa thì nằm ở khoảng lưng chừng. (chi tiết về khóa tu quý vị có thể tham khảo bài viết riêng cho khóa này).
Điều đáng nêu ở đây là gia đình chị Thủy ở Tiệp đã gửi hai vị (chồng và em trai chị Thủy) đến ở tu viện suốt thời gian khóa tu để giúp việc trai soạn một cách mỹ mãn, hai anh đã cho những vị tham dự khóa tu các món ăn vừa miệng và bổ dưỡng, chẳng những vậy, gia đình anh chị còn cúng dường toàn bộ thực phẩm, chén bát, ly, muỗng, giấy vệ sinh, giấy ăn v.v. hầu cung cấp cho mọi người tất cả những nhu cầu từ nhà bếp đến nhà vệ sinh. Những tô chén ly bằng Inox cũng đã về kịp thời để cung ứng nhu cầu ăn uống đơn giản của tu viện một cách tốt đẹp. Mỗi vị tham dự viên được chỉ định số phòng và nhận một mâm gồm một chén, một tô, một dĩa, một ly, một muỗng, một nỉa, một dao ăn.
Mâm này mỗi vị phải tự quản lý và tùy ý làm vệ sinh theo nhu cầu của mình, miễn trước khi về thì giao lại cho tu viện mọi thứ sạch sẽ và ngăn nắp là được. Ngay cả Rinpoche, Khenpo anh thông dịch v.v. đều sử dụng những thứ như trên. Bên chư tăng thì thay vì tô thì dùng bình bát. Những vị tham dự khóa tu đều cảm thấy mừng rỡ và nhận ra sự lợi lạc của pháp tu này nên đã xin tu viện một khóa ôn tập vào cuối năm. Điều này đã làm cho chương trình tu tập của tu viện thêm một mục vào tháng 12 năm nay. Trước khi Rinpoche ra về chúng tôi đã cung thỉnh ngài trở lại năm sau, ngài đã hứa khả cho hai chương trình tu học: a/ khóa tu dự bị cho pháp tu “Đại Thành Tựu” dành cho những vị có nhiều thời gian và năng lực để tu tập từ 4 đến 6 giờ trong ngày trở lên, b/ khóa Phowa cho những vị đã tu năm nay ôn luyện cũng như những vị chưa tham gia năm nay mà muốn tham gia có thể ghi danh tu học.
Tóm lại, đời sống tu viện rất đơn điệu đối với những vị ưa nhiệt náo và rất hấp dẫn đối với những vị hướng về đời sống nội tâm. Mỗi ngày qua là mỗi một ngày chúng trong tu viện cảm thấy mình đã được một ngày đầy ý nghĩa với tâm linh sung mãn và sự gia bị của chư Phật, chư vị Bồ Tát luôn theo sát hành trình đi vào nội tâm của đại chúng. Nhân đây cũng xin được công bố là từ giữa tháng tám dương lịch trở đi, tu viện sẽ áp dụng nội quy như đã đăng tải từ bảy tháng nay.
Có nghĩa là tu viện sẽ đóng cửa không tiếp khách vãng lai, những vị nào muốn đến tu viện xin ghi danh trước và cư sĩ phải ở tu tập tối thiểu trọn vẹn ba ngày cộng thêm một ngày đi và một ngày về (tức là năm ngày trở lên), tu sĩ phải ở tu tập tối thiểu trọn vẹn 21 ngày cộng thêm một ngày đi và một ngày về (tức là 23 ngày). Vì đời sống tu viện cần sự yên tĩnh cố định mong tất cả quý phật tử xuất gia và tại gia đồng hoan hỷ và ủng hộ sự tu tập của tu viện.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.