Mặc dầu chúng ta đều biết thế giới này “chỉ là” đoạn tiếp nối để tiến đến giác ngộ giải thoát, chúng ta vẫn mong mỏi những chúng sanh còn đang bị ràng buộc với cõi Ta Bà này càng chịu ít khổ đau càng tốt. Để có thể nuôi dưỡng tâm từ bi trong ta, tu viện đã lên chương trình cứu sanh mạng chúng sanh và trồng cây từ lâu.
Mãi đến gần đây chương trình này mới được thực thi khi mua được miếng đất phía trước tu viện của thành phố. Đây là nơi để thực thi chương trình này. Qua sự cúng dường của chư vị cư sĩ phật tử chúng tôi đã trồng được 40 cây Gingko (tức là cây Bạch Quả), một giống cây cổ xưa nhất quả địa cầu, 32 bụi tre và 8 bụi trúc. Đây là nơi để chúng tôi hoài niệm đến đức Phật vì trong suốt cuộc đời của Ngài, Ngài đã từng ngự trong rừng Trúc ít nhất là 22 năm.
Khi chúng tôi đến làng Mỹ Điền này, những đàn bò đã đập vào mắt ngay và chúng tôi cũng đã khởi niệm phóng sanh cho vài chú bò. Nhưng khi biết được những con bò này thuộc loại bò sửa chứ không phải bò thịt, dự định này được hủy đi. Sau đó, được biết một nông trại nuôi cừu phía sau tu viện mỗi năm bán đi từ 500 đến 600 con cừu non để làm thịt, chúng tôi đã liên lạc với nông trại và thương lượng vấn đề mua lại một số cừu non chuẩn bị bán làm thịt. Hiện giờ trên mảnh đất tu viện có hai con cừu lớn tuổi và bốn con cừu non đang gậm cỏ. Hành động này đã khơi dậy ít nhiều sự đắn đo trong suy nghĩ của người chủ nông trại, nên khi có hai con cừu mẹ chết sau khi sanh được hai con cừu con, họ đã liên lạc với tu viện để cho hai con cừu con này, thay vì phải đập đầu chúng như thường lệ. Hiện nay chư tăng ở tu viện lại phát tâm chăm sóc thêm hai em bé cừu mồ côi và cho bú chai.
Việc thực tập hành từ bi không phải đơn giản và nhẹ nhàng, nhưng đây là một pháp tu trực tiếp. Các tu sĩ ở tu viện cũng phải thực hành hạnh xả ly để không rơi vào cực đoan tham chấp vào những con cừu này.