Mới ngày nào đó từ ở châu Á về lại Đức, mọi người rộn ràng lên xe, cùng nhau từ Berlin đi về hướng đông nam của nước Đức lên một ngọn núi kha khá cao “ở cuối nẻo đường đời” để chánh thức nhận cơ sở làm tu viện Vô Lượng Thọ. Một năm như cái chớp mắt đã thoáng qua mau chóng. Một năm trong đời người, nếu sống được trăm tuổi thì chỉ là một phần trăm của thời gian nhưng lại là những chuỗi ngày quý báu như tổ Quy Sơn cũng từng dạy “… Bất quý thốn âm, sự nghiệp bất cần, công quả vô nhân khắc tựu…” (không nuối tiếc thời gian, siêng năng đeo đuổi nghiệp giải thoát thì cái nhân giác ngộ làm sao mà chín muồi cho được).

Từ ngày chúng tôi và mọi người về đây ai ai cũng không nhiều thì ít đã ra công để mà cố gắng đeo đuổi sự nghiệp giác ngộ của mình. Có những sư chú, ni cô đang trên đường mò mẫm đối với sự lý giải của đạo cũng như học hỏi phương pháp tu tập cũng đã bắt tay vào với những điều chỉnh từng bước đi, âm lượng và ngôn từ nói năng, cũng như cách nhìn về công việc hằng ngày. Sống ở một xã hội mà con người lấy sự phát triển vật chất làm thước đo thì sự đeo đuổi giá trị tâm linh không có dễ dàng, nhất là sự phát triển này không có dựa vào những hình thức bên ngoài để thẩm định được! Đôi khi có những vị vô cùng siêng năng, nhưng thật sự là không có chút tiến bộ nào cả trong sự tu tập. Lắm lúc có những vị cứ rề rề mà tâm linh cứ thế lại đi từng bước một vững vàng trên con đường giác ngộ. Dĩ nhiên cũng có một số vị phát triển trong ngoài đều nhịp nhàng. Tóm lại, trên quá trình tu tập, không thể xem bề ngoài hay những thành tựu vật chất để giám định cái được gọi là “thành công”. Tâm thức một hành giả là gia sản mà vị này mang theo bên người, vị này cần thành thật với mình để nhận biết được giá trị mà mình đang nắm giữ; chứ không như ở thế giới phương Tây, một người nợ nhà băng càng nhiều, thì người ấy càng có giá trị – vì vậy đôi khi một nhà tỷ phú mà nợ ngân hàng hết mấy trăm triệu rồi!!! Thế giới tâm thức không giống vậy, một hành giả phát triển tâm linh cần nắm chắc những gì mình đang có, bao nhiêu phần lượng về giới, bao nhiêu thành tựu của định và bao nhiêu năng lực tuệ đã phát triển từ đó được chuyển hóa thành năng lực giải thoát để sở hữu một vốn liếng thật sự từ sự giải thoát này đưa đến, cái được gọi là “giải thoát tri kiến”.

Về phương diện cơ sở thì không cần phải trình bày nhiều, ba căn nhà đã và đang dần hoàn thiện để thích nghi với nhu cầu sử dụng mà một tu viện cần có. Thiền đường đã được điều chỉnh để vừa làm nơi tu tập thiền quán vừa làm nơi thọ Bát Quan Trai cho những vị cư sĩ về đó tu tập một ngày một đêm không ảnh hưởng đến đời sống của những vị trong tu viện. Tu Mật Đường có thể nói là hoàn thiện 95%, chỉ cần phải điều chỉnh thêm chút ít về hệ thống ánh sáng là hoàn tất. Niệm Phật Đường sau một thời gian sử dụng chúng tôi thấy cần phải làm cho lớn hơn nên đang tiến hành xin giấy phép để xây tường và che mái trên phần balkon bên ngoài, việc này không những làm không gian Niệm Phật Đường lớn lên gấp đôi mà còn làm cho tăng chúng của tu viện đỡ cực nhọc hơn vì không phải chăm sóc balkon vào hai mùa thu đông rất tốn thời gian (dĩ nhiên công việc này đòi hỏi phải có phần tài chánh và nhân đây chúng tôi cũng mạn phép nêu lên để quý vị tùy tâm góp phần kiến tạo – phần này các hãng thầu cho giá trung bình là sáu mươi ngàn Euro 60.000!!! Chúng tôi đang cố gắng tìm thêm những hãng nhỏ hơn để hy vọng có giá thấp hơn, mặc dầu bà kiến trúc sư nói, với một kiến trúc 100 mét vuông mà giá khoảng bốn mươi ngàn là một giấc mơ mà nhiều người theo đuổi; hy vọng giấc mơ này sẽ được những vị hộ pháp hỗ trợ). Ngoài ra theo sự thỉnh cầu của một số cư sĩ phật tử ở gần tu viện chúng tôi cũng nghiên cứu và hoạch định thiết kế một Lễ Phật Đường, nằm ngoài khuôn viên của tu viện để những vị chỉ muốn đến lễ phật, tụng một thời kinh ngắn, có thể thuận tiện việc này mà không động chạm đến đời sống tu viện. Tuy nhiên, đến giờ công trình thiết kế Lễ Phật Đường cũng chưa tiến hành vì thiếu nhân sự và tài chánh, mặc dầu các tôn tượng cũng đã được thỉnh về rồi.

Cơ sở hoàn thành như mọi người thấy được cho đến ngày hôm nay không thể thiếu những bàn tay tích cực của những vị đóng góp công quả. Những vị ở Dresden và những vùng lân cận phần đông là tự lập có cơ sở cá nhân nên cũng khó theo được quy tắc của tu viện mà vắng nhà nhiều ngày cho nên mặc dầu rất tích cực nhưng cũng ít tham gia vào các công việc công quả, ngoại trừ trong thời gian đầu, lúc tu viện chưa vào nội quy chánh thức. Rồi đến những bàn tay năng nổ của quý vị đến từ Stuttgart/Heilbronn, Aurich, Hamburg, Frankfurt, Berlin và Muenster trong những đoàn này thì phái đoàn đến từ Aurich đã đóng góp một cách đáng kể trong việc xây dựng và sữa chữa bên trong gồm phần lót ván nền cho cả lầu một ở khu nhà số 1/104, một số phòng ở nhà số 2/103, làm hệ thống vệ sinh cho nhà Thiền/ Bát Quan Trai Đường, phái đoàn Stuttgart/Heilbronn làm mái hiên che phía trước nhà số 1/104 sơn dọn toàn bộ tầng trệt nhà 2/103, đoàn từ Frankfurt dán và sơn trần và tường của Niệm Phật Đường hiện tại (tương lai sau khi NPĐ bên ngoài hoàn tất, nơi đây sẽ sử dụng làm Tổ Đường) đoàn từ Berlin và Muenster làm những công việc sữa chữa phụ thêm cho nhà số 2/103 và thiền đường, đoàn Hamburg và nói chung những vị nữ thì phụ làm những việc dọn dẹp vệ sinh v.v. Khi kể ra đây thì dường như những công việc này cũng không có gì, nhưng trên thực tế thì mỗi lần như vậy quý vị đều về tu viện ở từ một tuần đến 10 ngày và với năm bảy người mới có thể hoàn tất những việc như thế, điều đáng tán thán hơn nữa là những vị này khi về tu viện, mặc dầu làm việc rất mệt nhưng khuya và tối đều tham gia các thời khóa tu tập để chỉnh đốn tâm linh của mình cũng như làm cho nội quy của tu viện được mạnh mẽ hơn lên. Trong đó có những vị sau khi từ tu viện trở về nhà đã làm cho gia đình ngạc nhiên về sự tiến bộ tâm linh. Những bước chân tuy ngắn, nhưng đầy sự vững vàng với nhiều niềm tin và sự gia bị của chư Phật, chư Bồ Tát đã làm cho những vị này có một sức mạnh tinh thần vững chải hơn lên.

Mùa đông vừa qua tu viện cũng đã trở nên ấm áp hẳn lên nhờ vào hệ thống sưởi mà quý vị hộ pháp của tu viện đã chung tay góp của cúng dường. Nguyện công đức này sẽ làm tiêu tán địa ngục băng lãnh và làm cho mọi chúng sanh luôn được noãn đệ nhất. Mặc dầu vậy, để tiết kiệm tiền gas tăng chúng trong tu viện vẫn mua thêm cũi để đốt phụ, vì tiền gas năm nay bắt đầu lên với một cái giá mà phải nói làm mọi người chóng mặt, đến mức một số vị đề nghị là “tắt bớt sưởi, thà chịu lạnh” nhưng điều này sẽ ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của đại chúng và chắc chắn sẽ làm giảm năng lực tu tập, nhất là đối với quý vị chưa thể áp dụng bệnh tật làm phương pháp tu tập.

Về nhân sự thì trong năm qua có tăng có giảm. Một ni cô đã không còn cảm thấy đời sống tu viện là thích hợp với mình nên đã rời tu viện trở về dưới mái ấm của tổ đình Viên Giác. Trong khi đó thì có một chú và một cô vừa xuất gia với chúng tôi và một cô một chú thì xuất gia theo truyền thống Tây Tạng với Logha Rinpoche. Cô Thông Chu đi học tiếng Hoa ở Đài Loan trong năm vừa qua cũng đã về lại tu viện để tiếp tục sự tu tập của mình. Cô Thông Chương vì bệnh duyên cũng đang về ở tu viện để điều trị. Thầy Thông Trụ thì sau tháng sáu cũng sẽ về lại tu viện để tiếp tục chương trình tu tập của mình. Hiện tại (tính luôn thầy Th Trụ sẽ về trong tháng sáu) ở tu viện có hai tỳ kheo, ba sa di, năm sa di ni và một Tịnh Hạnh Nhân; ngoài ra thành phần chúng của tu viện thì còn có thầy Thông Trạch đang học theo chương trình phật học ở Phật Học Viện Phước Nghiêm của hòa thượng Ấn Thuận ở Đài Loan và sư chú Thông Tránh đang học theo chương trình Geshe của phái mũ vàng trong tu viện Sera tại nam Ấn Độ. Vào tháng chín năm nay quý chú sẽ có cơ hội đến dự giới đàn Quảng Đức tại chùa Thiện Minh – Lyon để nhận giới tỳ kheo và hai cô sẽ đi nhận giới Thức Xoa Ma Na.

Trong một năm qua tu viện cũng phần nào thể hiện được cái lợi ích của mình. Đã có bốn lần quý vị cư sĩ về thọ bát Quan Trai Giới trong một ngày một đêm, hiện tại vì môi trường chưa hoàn thiện nên số vị ghi danh chúng tôi giới hạn cho đến tối đa là 12 vị! Nhưng khi Bát Quan Trai Đường hoàn tất thì mỗi lần có thể nhận được 22 vị ghi danh tham dự. Ở tu viện khi thọ Bát Quan Trai thì việc không ăn tối, tịch mặc và chuyên chú tu tập trong 24 giờ là điều tự nhiên. Quý vị đến đây cũng đã tỏ ra rất tích cực để đạt được tiêu chuẩn này. Điều này đáng được tán thán và tuyên dương. Ngoài ra đã có hơn 50 vị cư sĩ phật tử về tu tập từ ba ngày trở lên ở tu viện, trong đó có gần 10 vị đã đến tu viện trên hai lần và có hai người Đức đã đến tu viện để ở tu tập ngắn ngày. Phần đông người Á Châu thì theo đuổi pháp môn Niệm Phật, một vài vị thì thích tu thiền.

Tóm lại, dầu theo một pháp môn nào đi chăng nữa người hành giả vẫn phải kiên định trong sự tu tập của mình với một niềm tin vững chắc vào Tam Bảo cũng như hiểu biến trong sáng đúng đắn vào giáo lý của đức Thế Tôn mới có thể tiến xa được trên cái “Đạo” mà không thể dùng ngôn ngữ để giải thích được này. Nguyện rằng tu viện Vô Lượng Thọ theo thời gian sẽ trở thành một đạo tràng tu tập mang lại nhiều nguồn năng lượng giải thoát giác ngộ theo tinh thần đạo Phật hầu tỏa rộng ánh sáng mà đức Thích Ca Mâu Ni đã giương cao ngọn đuốc đầu tiên trong thế giới Ta Bà u tối này hơn hai ngàn năm mươi năm về trước. Nguyện tất cả các công đức mà mọi người tạo được nơi tu viện Vô Lượng Thọ đều hướng đến sự giác ngộ của tự thân và của tất cả hàm sanh trong pháp giới vô biên này.

Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Từ Thị Di Lặc Tôn Phật.