Như một con thoi đi qua những sợi tơ giăng trên manh cửi; nửa năm, sáu tháng, một trăm tám mươi ngày đã trôi qua. Biết bao nhiêu sự cố đã và đang xảy ra khắp nơi trên quả địa cầu này. Nơi một góc nhỏ của vùng đồi núi miền đông Osterzgebirg của nước Đức, tu viện Vô Lượng Thọ cũng trải qua những sự biến đổi của nó.
Nhiều vị theo dõi trên mạng cũng đã biết qua một số vấn đề, nhưng cũng có những vị không có thời giờ để lật từng trang dữ kiện mà đọc nên chúng tôi viết một bản tường trình ngắn cho mọi người có thể cập nhật dễ dàng.
Trong sáu tháng qua, nếu nói là nhiều sự kiện đã xảy ra thì không đúng hẳn, vì đời sống ở tu viện theo hiện tượng thì rất đơn điệu và bình đạm, mỗi ngày chúng trong tu viện cứ theo thời khóa biểu mà lên điện để tụng kinh, lễ sám, ngồi thiền, tụng giới, tu học v.v. không có gì là đặc biệt gay cấn cả! Tuy nhiên, nếu nhìn vào đời sống nội tâm, thì chắc chắn mỗi ngày là một sự đổi mới, mỗi ngày là một sự phấn đấu, mỗi ngày khi tiếng chuông đồng hồ báo thức reo lúc 3 giờ 30 sáng là mỗi một lần cuộc chiến đấu nội tâm lại xảy ra, sự lười mỏi, tâm thức giải đãi vận dụng đủ mọi chiến lược để thuyết phục vị hành giả không đi theo thời khóa tu tập. Cứ như vậy, những sự phấn đấu nho nhỏ, những công đoạn hoán chuyển nội tâm xảy ra, làm cho đời sống bề ngoài đơn điệu và nhàm chán trở nên vô cùng phong phú và đầy lý thú ở bên trong. Đức Phật có dạy: “Chiến thắng vạn quân, không bằng tự chiến thắng mình”, mặc dầu là sự phấn đấu để vượt qua tập khí của mỗi vị trong tu viện chưa thể được xem như là một sự tự chiến thắng mình, nhưng cũng là những bước chân nhỏ trên đoạn đường dài đi đến sự giác ngộ giải thoát vậy.
Sau thời gian thành hình, từ từ cũng có một số vị biết đến tu viện và bắt đầu ghi danh về tu viện để tu tập, hoặc học hỏi trong sự tu tập, có những vị dè dặt thì ghi danh đúng theo nội quy tu viện, tức là đúng năm ngày (ba ngày tu tập, một ngày đến và một ngày về); nhưng cũng có những vị vô cùng hưng phấn ghi danh đến tu viện tu tập hơn tuần, và cũng có vị xin ở lâu hơn nữa. Đây chính là linh hồn của tu viện, tu viện có tồn tại hay không, không phải chỉ nhờ vào sự hỗ trợ tài chánh và vật chất của đàn na tín chủ mà còn phải lệ thuộc nhiều vào tinh thần tu tập của những vị hành giả xuất gia và tại gia. Ngày nào còn có những vị hành giả có nhu cầu tu tập và cần một môi trường lý tưởng cho sự tu tập thì ngày ấy sự hiện hữu của tu viện còn có giá trị. Đồng thời thì cũng có vị cảm thấy đời sống ở tu viện không thích hợp với mình ở điểm này hay điểm nọ cũng đã rời tu viện sau khi ở đây nhiều tháng.
Về phương diện ngoại hình của cơ sở cũng có những sự thay đổi khả quan đã và đang được thực hiện: cỏ cây bên ngoài được chăm sóc kỹ càng hơn, những nơi cần cải biến bên trong cũng được cải biến dần để sử dụng theo chức năng của nó. Một phái đoàn hai xe từ vùng Stuttgart + Heilbronn cũng đã về tu viện một tuần để dựng cho phía hiên tu viện một mái che hầu đảm bảo sự chống ẩm thấp vào tường cũng như tạo thêm ánh sang cho bên dưới hầm. Bên nhà số 2/103 phần ống nước, bồn rửa v.v. đang được sửa sang. Quan trọng nhất là hệ thống sưởi cho hai nhà đang được tiến hành mặc dầu số tiền để chi cho mục này vẫn chưa được cúng đủ, nhưng đây làm một nhu cầu không thể không thực hiện nên vẫn phải kêu thầu đến làm, mà ngay cả chúng trong tu viện cũng phải bớt thời tu tập buổi chiều để cầm búa tạ, cầm xẻng, cầm nện v.v. phá những ống khói cũ, sang bằng nền đất để chuẩn bị cho chỗ để bình gas và chỗ bắt máy sưởi (vì nếu thuê hẳn thì sẽ không có đủ tiền mà chi ra). Những vị cộng sự của tu viện đề nghị là nên kê ra khoản chi mà tu viện đã xuất trong thời gian qua để mọi người khỏi thắc mắc cũng như để những vị muốn phát tâm có thể phát tâm, chứ bằng không thì chỉ thấy số tiền cúng dường Tam Bảo là 23.231 Euro và trang trí nội thất lên đến con số 7.885 Euro, sẽ đặt nghi vấn là sao không dùng tiền đó cho vấn đề lò sưởi? Xin thưa vì ở thời điểm đầu nên mọi việc đều phải sắm sửa như những đồ dùng trong tu viện từ giường, tủ, bồ đoàn, tọa cụ, máy lọc nước, hệ thống âm thanh, tô chén, bình bát v.v. đã lên đến 25.249,84 Euro (đó là chưa kể, ván lót các phòng do một số phật tử Trung Hoa cúng dường 84.000 RMB – tương đương gần mười ngàn Euro, nệm lót giường do một vị ở VN cúng 4000 Euro, 20 tủ đựng kinh 2000 Euro do chính chúng tôi cúng vào tu viện) Những vật dụng dùng trong văn phòng cũng như là tiền chi phụ (Nebenkosten) cũng mất 1633,73 Euro; Tiền tu sửa các chỗ khiếm khuyết trong tu viện 6.353,94 Euro và chắc chắn số chi tiêu này còn nữa vì cũng còn phải tu sửa ở nhiều nơi cho đến khi hoàn tất. Như vậy tổng chi cho các việc tu sửa và mua sắm vật dùng trong tu viện là 33.237,51 Euro đã chi quá số tiền cúng dường 2.121,51 Euro (33.237,51 Euro – 31.116 Euro). Trong phần chi dụng còn chưa tính một số tiền khác như tiền bảo hiểm của chư tăng, mỗi vị một tháng phải đóng trên 150 Euro: hiện tại tu viện đóng cho bốn vị: chúng tôi, chú Thông Trạm, chú Thông Trì và cô Thông Chánh. Phần chú Thông Trì và cô Thông Chánh thì có gia đình phát tâm cúng dường tiền bảo hiểm hàng tháng này, Chúng tôi và chú Thông Trạm còn đang đợi những vị hảo tâm đứng ra cúng dường tiền bảo hiểm, và chắc chắn trong tương lai còn có một số vị tu sĩ của tu viện cũng cần sự hỗ trợ này.
Khi thống kê các phần chi tiêu của tu viện chúng tôi cũng cảm thấy e ngại, vì tiền đây là tiền của tín chủ đóng góp vào để duy trì sự sinh hoạt của tu viện không thể lãng phí được. Nhưng rồi cũng tương đối an tâm, khi nghe các vị phật tử tại gia cho biết là một cơ sở như của tu viện mà mua sắm đồ đạt và sửa chữa như thế là không có nhiều chút nào! Một gia đình 4 người (hai vợ chồng và hai người con), nếu mua nhà mới và sắm sửa thì cũng đã hơn số thống kê như trên rồi. Hy vọng rằng những vị quan tâm đến sự sinh hoạt của tu viện cũng nghĩ như vậy! Bởi vì còn nhiều việc phải làm và cần phải sửa chữa trong thời gian sắp tới nữa, chắc chắn những việc này sẽ không thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ tích cực của hàng phật tử tại gia từ tài chánh đến nhân lực.
Nhân đây cũng xin đề nghị với những vị phát tâm về giúp tu viện trong thời gian tới, nếu được thì lấy nghỉ một tuần hay nhiều hơn và khi đi thì mời thêm những người bạn của mình có khả năng trong các công việc tu sửa về tu viện để giúp đỡ. Hiện tại tu viện còn cần phải làm những việc như sau:
Những công việc cần hiểu biết chuyên môn và cấp thiết nhất hiện tại gồm:
Lót nền Parketboden toàn bộ khu tăng phòng và phòng tập thể vào tháng 12.2010
Kiểm tra hệ thống điện & chạy lại giây điện mới.
Chỉnh trang phòng làm Lễ Phật Đường (tô tường, quét vôi, đóng bệ thờ, khai cửa v.v.)
Bồn rửa chén tập thể (bắt ống nước vào và ra, lót gạch)
Gắn thêm WC cho nhà thiền (chia tường, bắt ống nước vào ra, bắt bồn vệ sinh)
Phòng tăng ở nhà thiền (ngăn vách, gắn cửa, bắt một phòng vệ sinh)
Hệ thống vườn bên ngoài và đường vào từ ngoài (kế hoạch, trồng trọt và lót đường)
Sửa ống nước & ống sưởi nhà thiền
Đóng bệ thờ cho các phòng tu tập.
Đóng sàn ngồi, nằm cho thiền đường để sử dụng làm Bát Quan Trai Đường.
Đóng bục ngồi cho các phòng tu tập.
Những công việc chỉ cần nhiệt tâm và thời gian để có thể hoàn tất gồm có:
Cách nhiệt các đường ống dưới hầm sưởi nhà số 1/104
Điều chỉnh lại cửa ở rào sau
Sửa đồ vặn sưởi
Đóng lưới cửa sổ
Dọn lá ngoài vườn từ bìa rào phía đường cái vào đến nhà số 1/104
Quét vôi, đánh giấy nhám gỗ bên ngoài và sơn gỗ các khu nhà (1/104, 2/103, nhà thiền)
Sửa lại nhà kho sau bếp
Cắt các nhánh cây cũ, hư, mục & tỉa các cây cho gọn đẹp
Đắp lề và khai rạch nước phía sau nhà thiền
Khai rãnh nước chạy dọc đất
Phòng thay giày và treo áo khoác
Dọn dẹp hành lang và các phòng dọc theo tu mật dường
Sửa trần trong nhà tắm của sư chú Sherab Lodroe.
Quý vị nào phát tâm, xin xem qua nội quy tu viện cũng như công việc nào tương ứng với khả năng của mình mà về tu viện đóng góp thì chính bản thân chúng tôi, quý vị ở tu viện thường trực vô cùng tri ân, những vị thỉnh thoảng về tu tập cũng không kém phần hoan hỷ với sự đóng góp của quý vị.
Riêng phần đóng góp định kỳ cho tu viện xin quý vị vui lòng liên lạc với nhà bank để chuyển thẳng vào Konto của tu viện, sẽ dễ dàng cho sự làm kế toán cuối năm hơn. Ngoài ra, sở tài chánh cũng đã cấp cho tu viện tư cách Công Ích tạm thời, vì vậy cũng bắt đầu có thể cấp giấy chứng nhận cúng dường cho những vị đi làm có thể xin lại một phần thuế. Những vị nào cần giấy khai thuế này, xin liên lạc với tu viện để có thể gửi giấy cho quý vị trong thời gian tới. Xin lưu ý là địa phương nơi tu viện tọa lạc không có bưu điện, vì vậy sự liên lạc qua bưu điện từ tu viện có thể chậm trễ mong quý vị niệm tình hoan hỷ.
Chắc có một số vị cũng tự hỏi sao thầy này lại chọn cái chủ đề cho nửa năm là “nửa đường, trọn gói”, xin thưa vì công việc của tu viện vẫn còn dở dang đó, mới đi chưa được nửa đoạn đường, mà tiền chi ra đã bị thâm thụt rồi, tức là đã xài trọn gói!
Vài dòng gọi là tường trình cho quý vị tham khảo và tường tận hơn với sinh hoạt cũng như nhu cầu của tu viện. Cầu nguyện Tam Bảo luôn hỗ trợ cho tất cả hàng phật tử tại gia và xuất gia luôn sống tương ưng với Đạo Giải Thoát, tạo duyên lành cho tất cả chúng sanh được gần gũi Phật Pháp.