Khóa tu mười ngày này (tính thêm ngày đến và ngày rời tu viện là 12 ngày) đối với một số vị là dài, nhưng theo kinh nghiệm tu tập của chúng tôi, thời gian này chỉ vừa đủ cho vị thiền sinh có được một sự thích nghi với việc ngồi yên trong một lúc lâu và ung đúc một thói quen mới để có thể tiếp tục thực hành pháp tu sau khi về lại với gia đình.
Những vị mặc dầu có ý thích, nhưng không có nhiều thời gian thì cũng có thể chỉ tham dự ba ngày đầu tiên, khi mà những bước căn bản của thiền được hướng dẫn.
Phương pháp thiền mà thầy Thích Hạnh Tấn vận dụng để hướng dẫn quý vị có tên là “Lục Diệu Pháp Môn” (sáu cánh cửa mầu nhiệm để vào Đạo) do ngài Trí Khải vị tổ sư của tông phái Thiên Thai Trung Quốc đề xướng. Pháp tu này mặc dầu được liệt kê vào một pháp thiền đại thừa nhưng vẫn bao hàm trọn vẹn phương pháp thiền chỉ và quán (Minh Sát Tuệ) của Nam Tông.
Bắt đầu tu tập thiền sinh sẽ làm quen với hơi thở, qua đó thiền sinh có được một công cụ rất là gần gũi và tiện lợi để có thể thực hành bất cứ nơi nào và khi nào. Phương pháp này được thực hành từng bậc một: đầu tiên là đếm hơi thở (sổ tức) cho đến khi thành thục thì bắt đầu theo dõi sự ra vào của hơi thở (tùy tức) để có thể đạt được sự lắng dịu của ý niệm và đạt được trạng thái trống vắng (chỉ) rồi dùng năng lực lắng đọng này để nhìn thấu các pháp (quán) qua đó thiền sinh có khả năng quay trở về nhìn vào tự tâm (hoàn) mà có thể nhờ đó nhận chân được cái bản thể sáng trong và tinh khiết của tâm (tịnh).
Trong khóa thiền, đặc biệt là ba ngày đầu tiên, phương pháp đếm hơi thở được vận dụng triệt để tạo cho thiền sinh một căn bản vững chắc để có thể tu tiếp các bước sau. Sau đó cần thực hiện điều gì thầy Thích Hạnh Tấn sẽ hướng dẫn trực tiếp với quý vị sau những ngày báo cáo tiến triển tu tập. Ngoài giờ gặp riêng này, thiền sinh còn được hướng dẫn mỗi ngày về lý thuyết của pháp môn thiền này cũng như có cơ hội để đặt câu hỏi cho mọi người cùng tham khảo.
Về thầy hướng dẫn:
Thầy Thích Hạnh Tấn sanh năm 1964 tại Việt Nam và đến Đức vào năm 1979 dưới dạng tỵ nạn. Nawm1986 sau khi đã tốt nghiệp tú tài thầy đã vào tập sự xuất gia tại chùa Viên Giác ở Hannover và được thọ giới Sa Di năm 1987 (chánh thức xuất gia). Năm 1993 thầy thọ giới Tỳ Kheo, cùng năm thầy tốt nghiệp cao học Tôn Giáo Nghiên Cứu Học và rời Đức sang Ấn Độ cầu pháp. Năm 2000 thầy về lại Đức và được tấn phong chánh thức làm trụ trì chùa Viên Giác tại Hannover ba năm sau đó. Năm 2008 thầy từ chức trụ trì và mang chí nguyện nhập thất lâu dài trở về lại Á Châu. Cuối cùng năm 2010 thầy lại trở về Đức và thành lập tu viện Vô Lượng Thọ ở gần thành phố Dresden.
Thầy Thích Hạnh Tấn là một trong những tăng sĩ thuộc thế hệ mới, tức là những vị tốt nghiệp trung học, đại học v.v. theo học trình phương tây và lại được đào tạo một cách vững chải trong truyền thống Phật Giáo của mình. Trong trường hợp này là Phật Giáo Đại Thừa Việt Nam/Trung Hoa, ngoài ra thầy còn nghiên cứu và thực tập thêm những pháp môn của các trường phái Phật Giáo khác như thiền Tứ Niệm Xứ và Minh Sát Tuệ của Thái Lan và Miến Điện, mặc dầu pháp môn chánh mà thầy theo đuổi tu tập thuộc về mật tông Tây Tạng.