Franz Herz

Tu viện Vô Lượng Thọ mở cửa lần đầu tiên cho thế giới bên ngoài.

Nơi cửa vẫn còn tấm bảng “Erzgebirgischer Landgasthof” (Quán ăn vùng quê tại Dã Khoáng Sơn) như là lúc ở làng Mỹ Điền (Schoenfeld) thuộc Luyện Kim Sơn (Schmiedeberg) còn có  “Nhà Xay Trắng”. Nơi này đã đóng cửa lâu rồi! Ngày nay có 12 tu sĩ Phật Giáo sống trong ba ngôi nhà của quán ăn cũ. Bên ngoài có những lá cờ nhiều màu bay trong gió biểu thị đây là một tu viện Phật Giáo.

Trước đây một năm tu viện Vô Lượng Thọ đã được thành lập tại làng Mỹ Điền. Những tu sĩ ở đây phần đông có gốc Việt. Vị trụ trì Thích Hạnh Tấn cũng đến Đức từ Việt Nam vào năm 1979 với tư cách tỵ nạn. Khi đó ông ta mới mười tuổi (lời dịch giả: đúng ra phải ghi là 15 tuổi!!!). Ông ta đã lớn lên ở Đức và muốn trở thành tu sĩ khi còn trẻ. “Tôi đã có ý nguyện ‘xuất gia’ rất sớm” ông ta kể. Đó là cách nói của những người phật tử về việc chọn lựa đời sống tu sĩ lìa bỏ những tài sản của thế gian. Đầu tiên gia đình của ông đã phản đối. Đến năm 20 tuổi Thích Hạnh Tấn đã vào chùa ở thành phố Hannover.

Sau khi tốt nghiệp ông ta đã trở thành trụ trì ở đó. 2008 ông ta lại muốn trở về Á Châu sống lâu dài. Nhưng điều này đã không thực hiện được vì ông ta mang quốc tịch Đức. Trở lại Đức ông ta tìm một nơi thích hợp để thành lập một tu viện phật giáo.

Tình cờ ông đã phát hiện được “nhà xây trắng” đang bỏ trống. “Tôi tìm một nơi yên tĩnh có một năng lượng tích cực” ông ta nói. Điều này đã được tìm thấy ở làng Mỹ Điền.

Thầy trụ trì chuyên tâm vào đời sống tâm linh của chính mình. Những tu sĩ khác cũng phải tham gia vào những công việc khác trong đời sống hằng ngày. Thích Thông Trì có nhiệm vụ tiếp đón những vị đến tu viện. Ông ta hướng dẫn đến những phòng tu tập. Những tu sĩ ở đây gọi như vậy các căn phòng với những tượng Phật trang nghiêm. Một căn phòng còn đang sửa sang, nên những tượng Phật được đậy lại.

Trong một gian phòng khác ngoài những tượng Phật lớn ra còn có những tượng Phật nhỏ xếp dọc theo tường. Ở đây những tu sĩ tu tập mỗi ngày tám tiếng. Họ ngồi kiết già và thiền quán về danh hiệu của đức Phật và nguyện sau khi chết sanh về thế giới của các ngài, nơi mà không còn khổ đau, giống như Thiên Đàn của Chúa.

Những vị tu sĩ mặc cà sa màu vàng nghệ và cạo tóc ngắn. Họ sống hoàn toàn nhờ vào sự cúng dường của cư sĩ. Đó là những người sống khắp nước Đức, phần lớn là người Việt với niềm tin Phật Giáo.

Trong những ngày này có nhiều vị đã đến Mỹ Điền để phụ giúp chuẩn bị cho ngày mở cửa vào thứ bảy tới. Đây là một bước đặc biệt, vì thông thường tu viện Vô Lượng Thọ không có chuẩn bị cho những vị khách viếng thăm. Ai muốn cùng với các vị tu sĩ tu tập, cần phải ở lại ít nhất ba ngày. “Nhưng những người láng giềng của chúng tôi cũng muốn biết là chúng tôi sống và tu như thế nào” thầy trụ trì nói. Vì vậy những người Phật Tử đã gửi giấy mới vào từng nhà một ở làng Mỹ Điền.

Quelle: Sächsische Zeitung Dippoldiswalde