mudpathCLB THANH THIẾU NIÊN PHẬT TỬ Giác Tuệ:

Con đường tuổi trẻ của chúng tôi – Con đường mang tên AN LẠC!

Ngày nghỉ lễ Himmelfarht 2013:  Một ngày nghỉ lễ đáng quý!

Các bạn trẻ thân mến!  Trong ngày nghỉ lễ hôm nay, các bạn có những kế hoạch gì? Hẳn là đã có rất nhiều những hoạt động vui chơi, giải trí tưng bừng đang chờ đón các bạn, như đi Kino này, đi dã ngoại này, đi nướng thịt cùng bạn bè trong thời tiết tuyệt đẹp thế này…..

Nhưng tuổi trẻ CLB TTN Giác Tuệ chúng tôi chọn cho mình một ngày nghỉ lễ hoàn toàn khác biệt, không phải những khu vui chơi giải trí ngoài trời, không phải cà phê tán gẫu cùng bè bạn, cũng không phải tung tăng dạo phố, mà chúng tôi chọn đi làm công quả – một điều hoàn toàn mới mẻ so với suy nghĩ của chúng tôi.

7h sáng, tất cả chúng tôi rời chăn êm, đệm ấm để đến chỗ hẹn. 8h chúng tôi gặp mặt, cùng nhau ăn sáng, rồi cùng nhau lên đường.

Nơi chúng tôi phát nguyện làm công ích lần này là một tu viện Phật Giáo, cách thành phố Dresden chừng 45 phút chạy xe.

Đường đến tu viện rất tuyệt, chúng tôi vừa đi vừa được thưởng thức phong cảnh, sơn thuỷ hữu tình, có sông, có suối, có rừng, có núi, còn có cả những cánh đồng hoa cải dầu vàng rực rỡ, trải ra xa tít phía chân trời.

Tu viện Vô Lượng Thọ nằm an bình tại một ngôi làng nhỏ thuộc địa phận Schmiedeberg. Nơi tu học của các quý Thầy, quý Cô vốn dĩ rất ít người qua kẻ lại, vô cùng tĩnh mịch, hôm nay có chúng tôi đến, mang theo chút ồn ào tuổi trẻ.

10h, chúng tôi bắt đầu phân nhóm để làm việc, nhóm thứ nhất lau dọn các Phật đường – nơi an vị rất nhiều tượng Phật, nhóm thứ 2 chuẩn bị phòng ốc cho hoạt động tiếp đón khách của Tu Viện sẽ viếng thăm vào đầu tuần sau, nhóm thứ 3 gồm hai bạn nam duy nhất giúp Quý Thầy dọn vườn.

Khối lượng công việc cũng tương đối nhiều, nhưng do các bạn nữ rất chăm chỉ, cho nên trước giờ cơm trưa, chúng tôi hoàn thành hai phần ba việc lau dọn.

Đúng 11:30h, chúng tôi theo sự hướng dẫn của  sư cô Thích Thông Chu xuống phòng ăn dùng cơm chay.

Ăn một bữa cơm chay đối với những người trẻ tuổi như chúng tôi không phải là việc quá khó, cái mới mẻ nằm ở chỗ chúng tôi ăn theo đúng quy tắc của tu viện, thực tập giống như các Quý Thầy, Quý Cô.

Trước khi vào bữa, chúng tôi được hướng dẫn thực hành „Nghi Thức Cúng Ngọ“, cùng nhau đọc một thời kinh ngắn. Việc ăn uống của những nhà tu hành rất đơn giản và đạm bạc, quý Phật Tử cúng dường thức ăn chay gì thì quý Thầy chế biến rồi ăn thức ăn đó.

Theo cảm nhận của chúng tôi, thế giới mà các tu sĩ đang theo đuổi vô cùng lạ lẫm, nhưng chỉ thông qua một bữa cơm chay, chúng tôi cũng có thêm được một bài học về tính tiết kiệm và sự trân trọng – trân trọng những gì nhỏ bé nhất đang nắm trong lòng bàn tay mình.

„Mặc một tấm áo nhớ đến công người dệt, ăn một chén cơm nhớ công kẻ cuốc cày“ – chúng tôi đọc được một câu kinh như thế trong „Nghi Thức Cúng Ngọ“, nhưng còn hơn thế khi chúng tôi quay trở về sẽ mang theo bên mình suy ngẫm : „Mình sẽ phải sống tốt hơn để xứng với những gì đã, đang và sẽ nhận được“.

Ăn trưa xong, nghỉ ngơi trong chốc lát, chúng tôi hoàn thành nốt công việc lau dọn lúc trước còn đang làm dang dở.

Sau đó cả nhóm kéo nhau ra vườn giúp đỡ hai bạn nam. Chúng tôi xếp củi các bạn nam vừa mới chặt thành đống gọn gàng, rồi lại cùng nhau dọn sạch đống lá khô, làm sạch vườn giúp các Thầy.

Mọi chuyện nghe có vẻ dễ dàng, quả thực cũng có chút cần phải tiêu hao thể lực, lá khô để lâu ngày, lại gặp mưa, ngấm nước nên rất nặng, chất đầy lên xe rồi chuyển qua nơi chứa rác hữu cơ khiến chúng tôi khá vất vả, cộng thêm thời tiết không ủng hộ, khu vực ấy chốc lại mưa, chốc lại nắng, làm con đường nhỏ ngập trong sình lầy, cản trở rất lớn đến tiến độ lao động.

Gần ba tiếng đồng hồ, cuối cùng đống lá khô ấy cũng vơi đi, công việc tương đối ổn thoả, trời lại đổ mưa như trút, chúng tôi vốn dĩ cũng không biết khi nào trời mới tạnh để tiếp tục, cho nên cả nhóm thống nhất ra về.

Để lại số điện thoại cho  sư cô Thích Thông Chu, chúng tôi hứa sẽ còn quay trở lại giúp tu viện trồng cây, khiến sư cô rất vui.

Kết thúc một ngày, chúng tôi lên xe trở về Dresden mà trời vẫn đang mưa như trút, các bạn ai nấy đều mệt nhoài, nhưng lại rất vui, tinh thần bạn nào cũng hào sảng, nói cười không dứt.

Lúc chúng tôi đi, bạn Chủ Tịch có dặn dò chụp hình các bạn công quả để làm tư liệu, nhưng công việc khá bận khiến chúng tôi không có mấy thời gian, gần như cũng rất ít hình ảnh được ghi lại.

Có một lúc phải nghỉ vì mưa to, nhìn con đường nhỏ lầy lội trước mặt, Hương Hoàng bảo: „Tớ nhất định phải chụp lại cảnh con đường này“, tôi bỗng nảy ra ý tưởng, bức ảnh ấy sẽ lấy tiêu đề là „Con đường tuổi trẻ của chúng tôi – con đường mang tên an lạc“, nó cũng sẽ được lấy làm tên cho cuốn nhật kí mở về câu lạc bộ – mái nhà chung của chúng tôi – nơi chúng tôi đến, nơi chúng tôi cùng nhau học đạo để góp phần làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn.

Bạn Chủ Tịch có hỏi: „Sao lại chọn bức ảnh như thế“, tôi nghĩ : „Phải đi hết con đường lầy lội ấy, mới cảm nhận được trọn vẹn hai chữ An Lạc“.

Cảm ơn các bạn, ngày hôm nay đã đồng hành cùng nhau làm những công việc hết sức ý nghĩa như thế này!

Có thể ai đó sẽ cười chúng ta „vác tù và hàng tổng“, ai đó sẽ không tán dương mà còn nghĩ chúng ta „thừa thời gian“, ai đó sẽ còn nói rất nhiều điều thị phi không hay nữa…. Nhưng các bạn thân mến! Chúng ta không vì thế mà bỏ đi lý tưởng của mình chứ?

Mỗi người trong chúng ta, đến với thế giới này, không nhất thiết phải giỏi giang, không nhất định phải nổi bật, không nhất định phải thật giàu có của cải vật chất….. Là một người rất bình thường, giống như loài hoa sen giản dị, nở trong đầm lầy lội, hương sen sẽ theo gió bay đi, mang theo mùi thơm thanh nhã đến cho cuộc đời!

Mỗi bông sen của Giác Tuệ, các bạn đang thông qua những việc làm nho nhỏ như ngày hôm nay, đến với mọi người bằng tấm lòng thảo thơm của các bạn!

Mãi đồng hành cùng nhau nhé, các bạn trẻ Giác Tuệ thân yêu!

An Trọng